Như vậy, chỉ còn ít ngày nữa để các em cân nhắc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. Song, đến thời điểm hiện tại, không ít sĩ tử còn phân vân, lo lắng chưa biết đăng ký nguyện vọng xét tuyển như thế nào để không vuột mất cơ hội tiến tới cổng trường đại học mơ ước.

Băn khoăn lựa chọn nguyện vọng

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019 của Bộ GD&ĐT gửi các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh được chọn đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này. Nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2019, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì quy chế tuyển sinh đại học không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Cùng với việc không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, theo ghi nhận của phóng viên, năm nay nhiều trường đại học đã chủ động lên phương án tuyển sinh, mở mã ngành đào tạo mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành yêu thích, dẫu vậy cũng khiến không ít thí sinh, phụ huynh dù còn ít ngày nữa để hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự thi nhưng vẫn còn phân vân, lo lắng không biết lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển như thế nào cho hợp lý.

Với mong muốn trở thành một bác sĩ nhưng lực học chỉ ở mức khá nên em Hà Thế Nam, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, thời gian không còn nhiều nhưng em vẫn còn phân vân không biết đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để trúng tuyển. Đây cũng là băn khoăn của chị Nguyễn Hoài Phương, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Chị Phương cho biết: “Trước nhiều ngành mới, trường mới mở ra, tôi và con đang loay hoay chưa đưa ra được quyết định đặt thứ tự các nguyện vọng như thế nào để con đỗ vào ngành học yêu thích cao nhất”.

 Xác định năng lực thực có

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải đưa ra lời khuyên, các em không nên đăng ký quá 5 nguyện vọng tránh lãng phí tiền bạc. Quan trọng nhất là các em phải chọn ngành thực sự yêu thích và chọn trường phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân. Các em phải khẳng định được sức học của mình đang ở đâu để sắp xếp nguyện vọng theo 3 mức ưu tiên: trường học cao hơn sức học một chút để có sức phấn đấu, trường theo sức học và mức an toàn là trường thấp hơn so với sức học.

PGS, TS Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nêu ví dụ cụ thể, nếu các thí sinh thích học Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhất thì các em nên chọn trường là nguyện vọng 1 và chọn chuyên ngành nào mình thích nhất lên số 1. Những nguyện vọng khác xếp tiếp sau theo thứ tự thích nhiều hay thích ít. Điều này không ảnh hưởng đến việc trúng tuyển của các em ở số lượng nguyện vọng 1, 2 hay 3. Phần mềm sẽ xét tuyển nguyện vọng 1 đầu tiên. Nếu không trúng nguyện vọng 1 sẽ xét đến nguyện vọng 2, sau đó lần lượt là nguyện vọng 3… Nếu trúng nguyện vọng 3 rồi thì từ nguyện vọng 4 trở đi sẽ không xét nữa.

Theo PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến thí sinh khó đưa ra quyết định lựa chọn nguyện vọng là do các em không tự tin vào năng lực bản thân. Bên cạnh đó, các nhà trường chưa làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh dẫn đến việc các em phân vân không biết học ở đâu, ngành nghề gì. Theo thống kê, trong mùa tuyển sinh năm trước, trung bình cả nước có 4-5 nguyện vọng/thí sinh, tuy nhiên cá biệt có trường hợp đăng ký lên tới gần 50 nguyện vọng. Điều này chứng tỏ thí sinh chưa xác định được nghề nghiệp mình chọn trong tương lai. “Các em nên đăng ký tối thiểu 3-4 nguyện vọng và cần cân nhắc rất kỹ khi đăng ký thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Nhằm cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy năm 2019, bắt đầu từ ngày 1-4, Bộ GD&ĐT chính thức thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ công tác thi và tuyển sinh năm 2019. Cụ thể, hỗ trợ về kỳ thi THPT quốc gia, qua email: hotrothi2019@moet.gov.vn. Hỗ trợ qua điện thoại (trong giờ hành chính): 024.32181385; 024.32181386. Hỗ trợ về xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy qua email: hotroxettuyen2019@moet.gov.vn và hỗ trợ qua điện thoại (trong giờ hành chính): 024.32181385; 024.32181386; đợt 1 từ ngày 1 đến 25-4; đợt 2, từ ngày 14-7 đến ngày 22-8.

NGUYỄN HOÀI