Không chỉ Việt Nam phải đối diện và xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm. Áp lực học thêm và gánh nặng chi phí học thêm là vấn đề chung nhiều quốc gia đều phải giải quyết để giảm thiểu và hướng tới sự công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau trong quản lý dạy thêm tùy thuộc vào hiện trạng và bối cảnh thực tế.
Các chiến lược quản lý học thêm, dạy thêm chia thành 3 nhóm chính. Thứ nhất là những nước hạn chế dạy thêm, tập trung vào giáo dục chính khóa như Australia, Hoa Kỳ. Dù không khuyến khích dạy thêm, các quốc gia này không cấm hoàn toàn. Học sinh yếu có thể tham gia các chương trình hỗ trợ trong trường, nhưng việc học thêm ngoài nhà trường không phải là phổ biến.
Nhóm các quốc gia khác kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn cho phép dạy thêm, đại diện là Singapore, nơi dạy thêm được công nhận là một phần của hệ thống giáo dục nhưng phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục để bảo đảm chất lượng và sự minh bạch.
 |
Học sinh yếu tham gia các chương trình hỗ trợ trong trường là một lựa chọn hiệu quả và tiết kiệm cho học sinh. Ảnh minh họa: theconversation.com |
Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc lại hạn chế nghiêm ngặt việc dạy thêm. Họ có các chính sách quản lý chặt chẽ, cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài giờ và kiểm soát chặt các trung tâm dạy thêm nhằm giảm áp lực học tập và bảo đảm sự công bằng trong giáo dục.
Với Thông tư 29 ngày 30-12-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, Việt Nam có thể được xếp vào nhóm thứ 3 với các chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm. Có lẽ việc lựa chọn cách tiếp cận này cũng đã được cân nhắc dựa trên thực trạng dạy thêm ngày càng nhức nhối, bệnh thành tích, áp lực và chạy đua học tập trở thành căn bệnh trầm kha, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần ở học sinh ngày càng cao khiến chúng ta phải thực hiện triệt để.
PGS, TS TRẦN THÀNH NAM (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 14-2-2025, đã đưa ra những quy định mới về dạy thêm, học thêm, với mục tiêu giảm áp lực học tập, hạn chế tiêu cực trong giáo dục và bảo đảm công bằng trong tiếp cận tri thức. Tuy nhiên, việc triển khai thông tư này đang đặt ra nhiều thách thức đối với các trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 14-2, nhiều trường học ở tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng tổ chức dạy thêm, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với quy định mới.