Ước mơ đó rất chính đáng. Tâm nguyện đó rất đáng trọng. Khát vọng đó thật nhân văn.

Xét về mặt bằng chung, trẻ con thời nay thông minh hơn, nhanh nhẹn, năng động hơn trẻ con thời trước. Đó là sự phát triển tất yếu bởi một mặt, theo quy luật di truyền, hầu hết những gen có tính trội, tính ưu việt của trẻ được hưởng thụ từ bố mẹ và mặt khác, trẻ được tiếp thu những tiến bộ của tri thức, văn hóa, khoa học tiên tiến của thời đại.

Tuy nhiên, cuộc đời vốn không công bằng ngay sau khi mỗi đứa trẻ sinh ra, bởi vị trí xã hội và hoàn cảnh của bố mẹ đều ít nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý, thể chất, trí tuệ của trẻ. Thậm chí, ngay trong một gia đình, điều trớ trêu là cùng bố mẹ sinh ra nhưng có trẻ thì nhanh nhẹn, sáng láng, lại có trẻ thì chậm chạp, không lanh lợi.

Trong xã hội hiện nay, nhiều trẻ em không những bị áp lực về việc học hành quá tải, quá sức so với tuổi mà còn bị sức ép vô hình từ mong muốn quá lớn từ bố mẹ và gia đình. Một trong những câu nói cửa miệng rất nhiều ông bố, bà mẹ thời nay hay đưa ra giáo dục, dạy dỗ con cái là: “Con người ta học giỏi thế mà sao con lại không bằng?”. Vậy, lời nói đó có nên không?

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc mang con mình ra so sánh với con nhà người khác có hàm ý tích cực là phần nào thức tỉnh lòng tự trọng của đứa trẻ, qua đó vừa khích lệ, vừa nhắc nhở chúng phải cố gắng hơn để không thua bạn kém bè. Nhưng nếu lúc nào bố mẹ cũng ra rả nói câu đó sẽ khiến cho trẻ càng thêm tự ti về bản thân, thậm chí bị chai lỳ cảm xúc và bỏ ngoài tai. Thực tế trong nhiều trường hợp, do không làm chủ được cảm xúc, có đứa trẻ bột phát đã cãi cự lại bố mẹ vì thấy bản thân bị tổn thương, xúc phạm khi bố mẹ đưa ra so bì “con nhà người ta” không đúng lúc, đúng chỗ. Cá biệt, có trường hợp trẻ em rơi vào tình trạng trầm cảm, tự giày vò bản thân do bố mẹ đặt kỳ vọng quá lớn, bị đưa ra so sánh “con nhà người ta” quá nhiều dẫn đến hệ quả đáng tiếc cho chính các em và gia đình.

Thực ra, tâm lý mong “con nhà mình” phấn đấu bằng “con nhà người ta” của các bậc cha mẹ không hẳn tiêu cực, vì suy cho cùng đã là cha mẹ ai cũng muốn con mình tốt lên từng ngày. Nhưng các ông bố, bà mẹ nên nhớ rằng, tạo hóa vốn không công bằng, ngay bản thân bố mẹ cũng có giống người ta đâu mà cứ mang con mình ra so bì với “con nhà người ta”? Yêu con, thương con thì có nhiều cách dạy dỗ, chỉ bảo, tìm đường đi, cách đi đến đích cho con một cách phù hợp với khả năng, sở trường, mong muốn của con chứ không nên tạo áp lực cho con mình phải phấn đấu bằng được như “con nhà người ta”.

Thời nay người ta hay nói đến khoảng cách, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có một lý do là bố mẹ và con cái không tìm ra tiếng nói chung, không cùng chung quan điểm sống. Một trong những căn nguyên sâu xa là do bố mẹ tự tạo áp lực không đúng lúc, đúng chỗ cho con cái, tự đẩy con ra khỏi vòng tay yêu thương của chính mình từ kiểu so sánh “con nhà người ta” một cách thái quá.

Giáo dục, dạy dỗ con là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cha mẹ. Nhưng muốn giáo dục được con cái thì bản thân các bậc sinh thành cũng phải tìm hiểu, học tập để có những kiến thức nhất định về tâm lý, phương pháp phù hợp thì mới hy vọng mang lại hiệu quả. Còn dạy bảo, giáo dục con theo kiểu áp đặt chủ quan thì khó mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí phản tác dụng.

PHÚC NỘI