Những giáo viên dạy dỗ trẻ khuyết tật còn là người cha, người mẹ, người bạn của các em. Phó hiệu trưởng Dương Công Chiến tâm sự: “Để dạy học trò ở đây không phải ai cũng làm được, bởi ngoài tình yêu thương với các em còn phải kiên trì, nhẫn nại, nếu không chắc chắn sẽ không gắn bó lâu dài với công việc này”.
Tại trung tâm, ngoài các lớp học cơ bản còn có lớp nâng cao tay nghề. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp, trung cấp và có thể tìm kiếm việc làm ở các công ty, doanh nghiệp hay tại gia đình.
 |
Cô giáo Ngô Thị Phước tận tình chỉ bảo cho các em học sinh những đường may hoàn chỉnh. |
Lớp học may nâng cao của trung tâm hiện có 21 em. Trong quá trình học, các em được làm quen với những sản phẩm do các tổ chức, doanh nghiệp đặt may và sẽ được trả công theo từng sản phẩm mà các em làm ra. Đối với một người bình thường học may đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn nhiều lần, từ những việc nhỏ nhất như xâu kim, cách vận hành máy may, cách nhận biết các loại vải. Vậy nên để dạy được các em khuyết tật là chặng đường gian nan với cả thầy và trò nơi đây.
Bà Ngô Thị Phước, giáo viên lớp may nâng cao, công tác đến nay đã 30 năm và từng chứng kiến bao cảnh vui buồn nơi đây cho biết: “Đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là cầm tay chỉ việc, giúp các em bắt chước hành động của mình để hình thành thói quen. Công việc này mất rất nhiều thời gian, đối với người khuyết tật thì việc dạy nghề và giúp các em thành thạo với nghề phải mất thời gian gấp 3-4 lần bình thường, thậm chí còn nhiều hơn thế”.Qua lời “phiên dịch” của bà Phước, em Nguyễn Thị Hồng (15 tuổi), học sinh lớp may nâng cao, bị khiếm khuyết nghe và nói, chia sẻ: “Các thầy cô ở đây rất yêu thương chúng em, được học tập và còn có thể kiếm được thu nhập ngay tại trường nên chúng em có thể mua những thứ mà mình muốn. Như em đã tự mua cho mình một chiếc điện thoại để liên lạc và xem tin tức hằng ngày, em vui lắm”.
Trong quá trình sinh hoạt, giảng dạy, các giáo viên ở trung tâm luôn theo sát từng học sinh của mình, họ vui mỗi khi có học sinh mới nhập học, bởi khi ấy các em được đến trường, hòa nhập, tự tin bước vào trường học, các bậc phụ huynh cũng không còn mặc cảm khi thấy con mình là trẻ khuyết tật.
Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô ở đây chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin vào cuộc sống của những học trò giỏi, giúp các em khuyết tật khẳng định được bản thân, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều thế hệ học sinh sau khi ra trường được các công ty, xí nghiệp trên địa bàn nhận làm việc với mức lương 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Hay có những em bây giờ trở thành những ông chủ của các xưởng may, đồ mộc, mỹ nghệ lớn trên địa bàn. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy cô là tấm gương về sự nhẫn nại và tấm lòng yêu thương cho các học sinh khuyết tật, xứng đáng được xã hội trân quý, tôn vinh.
Bài và ảnh: THU NGA