Cuối tuần, trò chuyện với trưởng khoa của một trường đại học đào tạo ngành khoa học xã hội (KHXH) hàng đầu Việt Nam, tôi được nghe phàn nàn: “Chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành KHXH vài năm trở lại đây chất lượng không cao. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguồn cơn đến từ việc sinh viên sợ môn tiếng Anh”.
Lấy dẫn chứng cho nhận định trên, nhà khoa học này nói về thực trạng của nhà trường: “Trong 5 năm trở lại đây, chỉ khoảng 50% sinh viên mỗi khóa tốt nghiệp được đợt đầu. Số còn lại ra trường muộn thì 90% trong số đó là nợ môn tiếng Anh. Mỗi năm, nhà trường phải tổ chức từ 6 đến 7 đợt xét tốt nghiệp cho sinh viên ra trường muộn”.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Nghe băn khoăn trên, tôi tò mòi hỏi về phương án giải quyết của nhà trường thì nhận được câu trả lời của thầy: “Những năm trước, sinh viên nợ môn tiếng Anh được nhà trường tạo điều kiện đi học bên ngoài, miễn là mang chứng chỉ tiếng Anh B1 về là được xét tốt nghiệp. Nhưng từ 2 đến 3 năm trở lại đây, tất cả sinh viên phải học tiếng Anh trong nhà trường cho đến khi đủ điều kiện tốt nghiệp. Cách làm này nhằm đào tạo thực chất, tránh tiêu cực khi sinh viên đi học bên ngoài chỉ để lấy chứng chỉ. Thế mới có chuyện trước kia, sinh viên ra trường cầm trên tay chứng chỉ B1 chuẩn quốc tế nhưng vẫn không thể giao tiếp được với người nước ngoài”.
Thông thường mỗi sinh viên ngành KHXH phải hoàn thành 28 tín chỉ môn tiếng Anh trong suốt 4 năm học. Đối với những em nợ môn thì con số này còn tăng lên nhiều khiến học phí gia tăng, gây tâm lý chán nản dẫn đến ra trường muộn, thậm chí bỏ học. Đối với sinh viên ngành KHXH, tiếng Anh có vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu. Không chỉ riêng về mặt học thuật, nhiều thông tin liên quan đến kiến thức KHXH đều đến từ nguồn tài liệu nước ngoài.
Không riêng sinh viên ngành KHXH, tiếng Anh đang là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên các ngành đào tạo khác. Theo xếp hạng của Chỉ số thông thạo Anh ngữ EF tháng 11-2020, Việt Nam xếp thứ 65/100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về khả năng sử dụng tiếng Anh. Tất nhiên, thống kê trên chỉ mang tính tương đối, song phần nào đã nói lên vấn đề về chất lượng dạy và học tiếng Anh của nước ta. Bằng chứng là mới nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, tiếng Anh là môn có điểm trung bình khá thấp (5,84 điểm) và đặc biệt có tới hơn 40% tổng số thí sinh (hơn 349.000 em) đạt dưới điểm 5.
Những sinh viên sợ môn tiếng Anh hầu hết do các em đã mất "gốc" môn này, chưa có phương pháp học hiệu quả... Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều bậc phụ huynh đầu tư cho con em mình được học tiếng Anh từ khá sớm. Nhưng tâm lý học để đi thi của phần lớn cha, mẹ khiến nhiều em phải chịu áp lực lớn, chất lượng học tiếng Anh không được như mong muốn. Bởi thế, mới có chuyện nhiều em được đầu tư ôn luyện và đạt điểm cao về ngữ pháp, song lại gặp khó trong giao tiếp tiếng Anh.
Để học tốt tiếng Anh, ngay từ khi học phổ thông, phụ huynh và thầy cô cần sớm giúp các em hứng thú với môn học này. Đối với các trường đại học, cần có lớp tiếng Anh riêng biệt dành cho những sinh viên mất "gốc", đồng thời có giải pháp để xóa nỗi sợ học tiếng Anh của sinh viên thông qua những cách học hiệu quả, tiên tiến.
HỮU TRƯỞNG