Sẽ không có “sàng lọc”

Liên quan những gian lận thi cử vừa qua, nhiều thí sinh và xã hội băn khoăn liệu các trường ÐH có tổ chức thêm một đợt kiểm tra nhằm “sàng lọc” thí sinh trúng tuyển vào trường không. Tuy nhiên, một số trường ÐH lớn cho rằng họ sẽ đối xử bình đẳng với tất cả thí sinh trúng tuyển và không làm việc đó.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), trường sẽ không có bất cứ đợt kiểm tra hay sàng lọc nào khác đối với những thí sinh trúng tuyển vào trường năm nay. Nhà trường vẫn sẽ đón nhận tất cả và đối xử bình đẳng với các sinh viên trúng tuyển.

Thí sinh tìm hiểu thông tin kỳ thi tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu bằng tiêu cực sinh viên yếu kém trúng tuyển vào trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và dễ bị đào thải. Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học 600-700 sinh viên do năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu học tập. 

“Với cơ chế về chuẩn đầu ra nghiêm túc và quá trình sàng lọc khốc liệt suốt 4 năm học (hệ đại học), chúng tôi tin những sinh viên không có thực lực sẽ không dám vào học. Do đó, nhà trường không băn khoăn hay có biện pháp rà soát lại đối với thí sinh trúng tuyển”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm.

Dù không có biện pháp để phân biệt thí sinh có điểm thật hay "ảo" trong quá trình tuyển sinh nhưng các trường đều có phương án để loại sinh viên khỏi giảng đường nếu không bảo đảm chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) cho biết: Cũng như mọi năm, nhà trường tuyển sinh trên nguyên tắc căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia theo Đề án tuyển sinh. Do đó, để đánh giá chất lượng thí sinh khó có căn cứ nào khác ngoài điểm thi.

Nhà trường không thể bổ sung thêm đợt sàng lọc đầu vào bằng một bài thi khác, bởi theo Đề án tuyển sinh, trường căn cứ vào kết quả thi THPT để xét tuyển. Do đó, không thể loại thí sinh trượt sàng lọc nếu các em đã đủ điểm trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương khẳng định.

“Vào được nhưng có ra được hay không mới là vấn đề. Hằng năm, theo quy chế đào tạo, các em sẽ phải học từng học phần. Nếu đủ điều kiện vượt qua, không vi phạm quy chế thì sinh viên tiếp tục học, nếu vi phạm quy chế, chẳng hạn 3 kỳ cảnh báo liên tiếp thì sẽ buộc thôi học. Có nhiều lý do khác nhau để sinh viên thôi học, nhưng mỗi năm có khoảng 5% số sinh viên bị buộc thôi học”, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết.

Với quan điểm đó, Trường ĐH Giao thông vận tải luôn sẵn sàng chào đón và không có sự phân biệt nào đối với các thí sinh trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nhấn mạnh, tuy nhiên cũng khẳng định, nếu như sau này có thí sinh nào mà Bộ GD-ĐT nói rằng gian lận, vi phạm, thì trường sẽ thực hiện theo đúng quy chế.

Tin tưởng vào lộ trình thi cử của Bộ GD-ĐT, đó là kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho biết trường vẫn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này cho tuyển sinh vào năm sau. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, theo xu hướng chung, trường sẽ có trao đổi với một số trường khác để tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá.

Không ngại điểm “ảo”

Tại khu vực phía Nam, nhiều trường đại học cho biết không lo ngại tuyển thí sinh có điểm không thực chất. Nếu có thì trường cũng có biện pháp loại thí sinh không đảm bảo chất lượng này trong quá trình học tập.

Ông Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng trường không có cơ sở để loại thí sinh không có điểm thực chất. “Các em đã trúng tuyển bằng điểm thi quốc gia, chúng tôi chỉ có thể sàng lọc những sinh viên kém chất lượng qua quá trình học theo cơ chế học vụ và đào tạo tại trường”, ông Nguyễn Văn Đương cho biết.

Là trường có ngành đào tạo đặc thù, trong đó đào tạo nguồn nhân lực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trường ĐH Đồng Tháp năm nay lấy điểm sàn cho khối ngành sư phạm theo quy chế của Bộ GD-ĐT với phổ điểm 17 cho các tổ hợp xét tuyển 3 môn (năm nay Bộ không quy định điểm sàn cho các trường như những năm trước mà chỉ quy định điểm sàn cho riêng ngành Sư phạm). Mức điểm này, cũng được đánh giá là “không phải đối tượng” mà các thí sinh có dấu hiệu điểm thi bất thường hướng đến.

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp chia sẻ: Trường tuyển sinh theo 4 hình thức: Theo kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển theo kết quả học bạ lớp 12 THPT (chính quy), xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu, xét tuyển thẳng các ngành sư phạm. So với mọi năm thì năm nay Bộ đưa ra mức điểm sàn khá cao so với mọi năm (15-15,5 điểm), điều này giúp các trường sư phạm siết chặt "đầu vào" và "đầu ra", nâng cao chất lượng ngành.

Do đó, việc tuyển sinh của trường hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tiêu cực điểm thi ở một vài nơi vừa qua. Mặt khác, năm nay đề thi tương đối khó nên việc Bộ tăng điểm sàn so với mọi năm vừa là một thách thức vừa là cơ hội để trường tuyển được thí sinh có chất lượng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, khẳng định việc chấm thẩm định và cập nhật lại điểm (nếu có) của các thí sinh không ảnh hưởng đến công tác xét tuyển trên cả nước. Đồng thời, hiện các sở GD-ĐT đang tiến hành chấm phúc khảo theo yêu cầu của thí sinh. Sau khi có kết quả phúc khảo, các sở GD-ĐT tiếp tục cập nhật điểm thi lên hệ thống. Vì vậy, việc cập nhật lại điểm trên hệ thống không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển.

Bài, ảnh: THU HÀ