Tổ chức 3 bài thi
Theo đó, năm học 2019-2020 Hà Nội có phương án tuyển sinh vào lớp 10 gồm 3 bài thi, trong đó có 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp (tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử, Giáo dục công dân; tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học, Sinh học).
Lý giải đổi mới này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên đã được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005 – 2006 và đã bộc lộ nhiều hạn chế, tạo nên hiện tượng học lệch các môn, học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, như vậy chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
 |
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Ảnh: Thu Hà. |
Bên cạnh đó, trong phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường khác nhau.
Phương thức thi mới cũng là đề xuất của hầu hết các hiệu trưởng Trường THPT, trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020 do Sở GD-ĐT tổ chức.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh học sinh học lệch, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Bài thi tổ hợp với mục tiêu tiếp cận chương trình, SGK mới, đó là “tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông.
Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GDĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020 nhằm mục đích khắc phục các hạn chế của phương thức cũ, triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới giáo dục, chủ động đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng các yêu cầu về đổi mới dạy học trong nhà trường, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Đào tạo tú tài song bằng
Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 vẫn giữ ổn định như năm trước (kết hợp thi với xét tuyển); thí sinh sẽ thi vào ngày 7-6 (sáng thi Ngữ văn, chiều thi môn Toán).
 |
Lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp. Ảnh: Thu Hà. |
Tuy nhiên, năm học này có một số điểm mới. Đó là bổ sung thêm Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài, học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (Chứng chỉ A-level). Như vậy, năm học 2018-2019, Hà Nội có 2 trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài. Cụ thể: Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tuyển sinh 50 chỉ tiêu và THPT Chu Văn An 50 chỉ tiêu.
Để học chương trình này, học sinh phải dự tuyển 3 vòng. Vòng 1: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 7-6 (buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán, cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên). Vòng 2: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc vào ngày 10-6 (buổi sáng thi môn Toán bằng tiếng Anh và môn Vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều thi môn tiếng Anh và môn Hóa học bằng tiếng Anh). Vòng 3: Phỏng vấn vào ngày 18-6.
Năm nay, chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông; mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5 điểm .
Học sinh không dự thi ngày 7-6 được dự tuyển vào các cơ sở giáo dục dùng phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, đó là các trung tâm GDNN-GDTX, một trường THPT công lập TCTC, THPT ngoài công lập.
Thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6
Phương thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018-2019 tiếp tục giữ ổn định.
Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE tại 7 trường THCS: Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Phương thức tuyển sinh của các trường này là thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực: Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh, gồm 2 phần: Phần viết: Thời gian làm bài là 45 phút; Phần nghe: Thời gian làm bài là 30 phút. Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn IGCSE; thời gian làm bài là 60 phút.
Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực ngày 20-6-2018; Tuyển sinh từ ngày 28-6-2018 đến hết ngày 30-6-2018.
Năm học 2018-2019, một số trường THCS đặc thù của Hà Nội được phép tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức đánh giá năng lực học sinh thay vì xét tuyển như thời gian qua. Cụ thể trường: THCS Cầu Giấy; tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THCS Nam Từ Liêm, THCS Chu Văn An-Thanh Trì, THCS Ngô Sỹ Liên-Chương Mỹ, THCS Nguyễn Huy Tưởng-Đông Anh, THCS Đô Thị Việt Hưng-Long Biên, THCS Trưng Vương-Mê Linh, THCS Sơn Tây, THCS Thanh Xuân và một số trường ngoài công lập như: THCS-THPT Marie-curie, THCS-THPT Nguyễn Siêu, THCS-THPT Đoàn Thị Điểm, THCS-THPT Lương Thế Vinh, THCS-THPT Lomonoxop, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành...
Phương án kiểm tra, đánh giá năng lực: Học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra (Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội, tiếng Việt và tiếng Anh); Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD-ĐT; Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao; Thời gian làm bài: 60 phút/bài kiểm tra.
Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực: Đợt 1 vào ngày 29-6-2018; đợt 2 vào ngày 30-6-2018. Tuyển sinh từ ngày 10-7-2018 đến hết ngày 12-7-2018.
THU HÀ