Chúng ta thường nghe thành ngữ này trong các tình huống như khi một người chấp nhận đầu tư lớn vào một cơ hội mà chưa chắc sẽ sinh lời, câu này diễn tả sự quyết tâm cao độ nhưng cũng đầy rủi ro; khi một cá nhân hoặc đội thi đấu thể thao chấp nhận mạo hiểm để giành chiến thắng, dù có nguy cơ thua trắng; khi ai đó chọn cách sống hoặc yêu đương hết mình mà không giữ lại gì cho bản thân, dù biết nếu thất bại sẽ phải chịu đau khổ lớn. Câu thành ngữ thể hiện tinh thần quyết đoán và sự sẵn sàng đối mặt với mọi hậu quả khi đã lựa chọn một con đường không quay đầu và đó là điều mà mọi nền văn hóa đều đang đề cao phẩm chất kiên trì, bền bỉ, ý chí kiên cường của con người vượt qua nghịch cảnh để đạt được mục đích của mình.

Câu chuyện một nữ vận động viên marathon cảm thấy đau ở cổ chân trên đường đua tại ki-lô-mét thứ 6, cô vẫn nén đau chạy tiếp 6km nữa để chấp nhận gãy xương mác ở cẳng chân. Tuy nhiên, bỏ qua lời khuyên của đội cứu thương, cô vẫn không dừng lại mà tiếp tục chạy trong cơn đau khủng khiếp để hoàn thành chặng đua 42km với thời gian hơn 6 giờ. Cái vạch đích trước mắt cùng thời gian, tiền bạc, công sức tập luyện là sự đầu tư quá lớn khiến cô suy nghĩ nếu dừng lại thì có nghĩa là thất bại, mất trắng?

Nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra những khía cạnh mặt trái của các mục tiêu và việc theo đuổi nó đến cùng, đó là ngăn cản các cá nhân từ bỏ một cách sáng suốt những mục tiêu bất khả thi hoặc không còn xứng đáng nữa. Đó cũng là bản chất sự ám ảnh của “được ăn cả, ngã về không”.

Trong cuộc sống còn có một trạng thái khác-đó là “được ăn cả, ngã không về không”, phản ánh quan điểm lạc quan và thực tế hơn, vì không phải tất cả các rủi ro đều đưa đến kết quả trắng tay khi thất bại. Nếu nữ vận động viên marathon dừng lại trước khi bị gãy xương, hoặc thậm chí sau đó bỏ cuộc, cô không hoàn toàn mất trắng. Bởi quá trình tập luyện, sự đầu tư thời gian, tiền bạc trong quá khứ và quãng đường chạy trong cơn đau đã mang đến các giá trị, trải nghiệm cho cuộc sống của cô. Nhưng điều quan trọng hơn, cơ thể không phải chịu một tổn thương quá lớn khi cô cố tập tễnh chạy hết hành trình 42km. “Được ăn cả, ngã không về không” nhấn mạnh rằng ngay cả trong thất bại, ta vẫn có thể thu được một giá trị nào đó, dù không phải là những thành công cụ thể. Những giá trị đó có thể là kinh nghiệm và bài học sâu sắc giúp ta tránh được các sai lầm tương tự trong tương lai và mở ra các cơ hội mới giúp ta khám phá những con đường tiềm năng khác.

“Được ăn cả, ngã không về không” thể hiện một tư duy tích cực hơn, không có thất bại nào hoàn toàn vô nghĩa. Với thái độ này, mỗi nỗ lực đều đem lại giá trị nhất định, dù nhỏ hay lớn, giúp ta tiếp tục phát triển và tiến gần hơn đến thành công thật sự. 

HOÀNG HUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.