Là chủ nhân Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2008, TS Trần Quang Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định các cá nhân đoạt giải đều thành công ở các vị trí công tác, tạo sức lan tỏa của giải thưởng. Tuy nhiên, TS Trần Quang Tuấn trăn trở, qua 20 năm, giải thưởng đã có nhiều đổi mới và mở rộng lĩnh vực, nhưng vẫn có khá ít nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
TS Trần Quang Tuấn đề xuất cần có cơ chế, chính sách toàn diện, đầy đủ hơn và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ nhằm kịp thời hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường ươm mầm để các cá nhân này có thể trở thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong tương lai. Trung ương Đoàn nghiên cứu hình thành các quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, giúp các công trình, sản phẩm nghiên cứu của các tác giả đoạt giải thưởng sớm được đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội.
 |
Tọa đàm “Hành trình 20 năm Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng” có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, chủ nhân giải thưởng qua các năm. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
|
Khẳng định uy tín, giá trị của giải thưởng, TS, bác sĩ Đỗ Xuân Hai (Học viện Quân y, đoạt Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2012) cho rằng cần nâng cao chất lượng giải thưởng hơn nữa. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là tạo sân chơi công bằng, minh bạch, chọn được những tài năng trẻ thực sự đủ đức, đủ tài, có thể chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo theo từng chuyên ngành. Đồng thời, Ban tổ chức cần đơn giản hóa các thủ tục, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong đánh giá công trình khoa học, kết quả khoa học tiêu biểu và những định hướng gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, có cơ chế tài chính tốt, tăng cường nguồn lực xã hội cho giải thưởng và sau nhận thưởng với các ngân hàng ý tưởng, đầu tư mạo hiểm cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng cụ thể sản phẩm thực tiễn.
Theo PGS, TS Đào Sỹ Đức (giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đoạt Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2018), công tác kết nối, phát huy mạng lưới tài năng trẻ-những người đã được trao tặng giải thưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này giúp những tài năng trẻ có môi trường tốt để giao lưu, trao đổi, hợp tác, cùng phát triển. PGS, TS Đào Sỹ Đức đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học tài năng trẻ, diễn đàn để các chuyên gia khoa học trẻ trao đổi, giao lưu; hình thành các nhiệm vụ lớn để các tài năng khoa học trẻ có điều kiện cùng phối hợp, tham gia thực hiện, đem năng lực chuyên môn phục vụ cộng đồng.
Tại tọa đàm, các đại biểu cùng chung nhận định rằng, 20 năm là hành trình ấn tượng của Giải thưởng Quả cầu vàng với việc phát hiện, tôn vinh hơn 200 tài năng trẻ khoa học-công nghệ. Các công trình nghiên cứu, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ khoa học-công nghệ của các thế hệ đoạt giải thưởng góp phần quan trọng giải quyết những thách thức về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, vật liệu mới và nhiều lĩnh vực khác. Đây là nền tảng để giải thưởng tiếp tục nhân rộng những tài năng trẻ cùng các công trình nghiên cứu mang lại giá trị thiết thực với cộng đồng.
BẢO TRINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.