Trường PTCS Hy Vọng được thành lập từ năm 1994. Ban đầu, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2006, được sự hỗ trợ của UBND quận Long Biên, trường đã được đầu tư xây mới khang trang với nhiều phòng học, phòng chức năng hiện đại. Nhiệm vụ chính của nhà trường là giảng dạy, giáo dục cho học sinh khiếm thính theo chương trình tiểu học chuyên biệt; tổ chức tư vấn, hướng dẫn can thiệp sớm cho cha mẹ học sinh khiếm thính dưới 6 tuổi và bồi dưỡng hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp.

Học sinh khiếm thính trong giờ thảo luận nhóm bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, những năm qua, nhà trường đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Đối với các em khiếm thính, việc tiếp thu kiến thức không thể như người bình thường. Mỗi lớp học chỉ có từ 8 đến 10 học sinh. Tuy nhiên, học sinh trong từng lớp lại không đồng đều từ tuổi tác đến trình độ nhận thức. Có em bị câm điếc bẩm sinh nhưng cũng có em bị khiếm khuyết phát sinh trong chính quá trình nuôi dạy tại gia đình. Muốn học sinh hiểu được bài, giáo viên phải kết hợp các phương pháp như sử dụng ký hiệu tay kết hợp với khẩu hình và chữ viết trên bảng. Việc học tập của các em học sinh rất thụ động, đòi hỏi người dạy phải hết sức sát sao theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Ngoài học văn hóa, nhà trường còn chú trọng bồi dưỡng các môn bổ trợ, tăng cường giao tiếp trao đổi phục hồi chức năng nghe, nói, phát triển ngôn ngữ cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với các tổ chức từ thiện để tổ chức các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, dã ngoại thực tế, giúp các em được hòa mình vào các hoạt động bổ ích như tập múa, kịch câm, viết chữ…

Học sinh khuyết tật trong trường đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để giúp các em yên tâm trong quá trình học tập, nhà trường đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ đồ dùng học tập, máy tính, máy vắt sổ… giúp các em có điều kiện học tập và thực hành thuận lợi hơn trong quá trình học nghề.

Với mong muốn các em hòa nhập cộng đồng, nhà trường đã chú trọng hoạt động hướng nghiệp. Học sinh cuối cấp sẽ được học nghề may. Kết thúc khóa học, nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất, xưởng may để các em có thể tham gia lao động. Qua các khóa học, nhiều học sinh ra trường đã có công việc ổn định phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Nhiều em đã xây dựng gia đình và có cuộc sống ổn định, không phải phụ thuộc vào người thân, giảm  gánh nặng cho xã hội. Có những học sinh trưởng thành đã quay lại giúp đỡ tích cực hoạt động giảng dạy của nhà trường. Điển hình như em Nguyễn Thúy Đoan, Á khôi cuộc thi Hoa hậu Người điếc thế giới đã thành lập Câu lạc bộ điếc để tập hợp các bạn cựu học sinh của trường tham gia tập huấn, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng sống, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Minh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Điều đáng mừng là hầu hết các em ra trường khi xây dựng gia đình, sinh con đều khỏe mạnh, lành lặn. Giữa nhà trường và học sinh vẫn thường xuyên có liên hệ để giúp đỡ các em trong cuộc sống. Nhiều năm qua, mái trường Hy Vọng đã góp phần nuôi dưỡng hy vọng, thắp sáng ước mơ cho những “vầng trăng khuyết” vươn lên trong cuộc sống”.

Bài và ảnh: DUY NAM-MINH THẢO