Chính trị viên Vũ Huy Hùng lấy câu chuyện bên hè phố để liên hệ đến việc rèn luyện kỷ luật ở đơn vị. Nếu đồng chí nào cũng tự giác chấp hành kỷ luật thì chắc chắn sẽ không có tình trạng vi phạm xảy ra. Nói rõ hơn về cách thức tiến hành, đồng chí Hùng chia sẻ: “Đấy là lý thuyết, còn đi vào thực tế là cả quá trình đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có động viên, khích lệ, có mệnh lệnh hành chính, có khen thưởng và xử phạt. Như vậy, kỷ luật bảo đảm tính nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn”.

leftcenterrightdel
Kíp trực trạm vô tuyến điện (Đại đội 1, Tiểu đoàn Thông tin 610). Ảnh: NAM ĐỨC 

Câu chuyện trong giờ nghỉ bỗng ngưng lại khi Binh nhất Nguyễn Văn Hiển, chiến sĩ quân bưu (Trung đội Quân bưu) báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển công văn trở về đơn vị. Nhận cốc nước từ tay cán bộ, đồng chí Hiển chia sẻ: “Mỗi ngày chúng em đạp xe mấy chục cây số qua bao phố phường đưa công văn tài liệu từ trụ sở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tới các cơ quan dân, chính, đảng và đơn vị trong nội thành. Dù thời tiết có lúc nắng, mưa thất thường nhưng tài liệu thì chỉ có một đích đến, không hề sai sót, chậm muộn”.

Tôi băn khoăn: “Chiến sĩ đạp xe cơ động mấy chục cây số liệu có bảo đảm an toàn?”.

 Thiếu tá Vũ Huy Hùng cho biết: “Bộ đội làm việc bằng tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật cao nhất. Cứ thử tưởng tượng chiến sĩ ra ngoài doanh trại, đạp xe khắp phố phường Thủ đô, tiếp xúc với nhiều thành phần và biết bao vấn đề phát sinh ngoài phố. Chưa kể công văn tài liệu là bí mật quân sự, nếu đưa sai địa chỉ, chậm thời gian, thất lạc thì hậu quả khôn lường. Nhờ có kỷ luật tự giác, chiến sĩ quân bưu mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi có công văn hỏa tốc, công văn hẹn giờ, bộ đội sẵn sàng lên đường. Trong năm vừa qua, đơn vị vận chuyển hơn 18.000 công văn, vận hành gần 130.000 cây số bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

 “Thế còn các lực lượng khác, chắc là “nhàn” hơn?”-Tôi hỏi lại.

“Không! Nhiệm vụ trực tổng đài cũng quan trọng không kém. Thông tin là mạch máu. Nếu thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng. Thế nên tính kỷ luật và hiệp đồng là yêu cầu bắt buộc đòi hỏi nhân viên báo vụ, tổng đài chuyển-nhận tín hiệu phải tuyệt đối chính xác”, Chính trị viên Vũ Huy Hùng chia sẻ.

Mỗi quân nhân có nhiệm vụ riêng, tính chất đặc thù công việc khác nhau. Thế nhưng kỷ luật là thống nhất, đòi hỏi mỗi người trên từng cương vị, chức trách phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Người chấp hành nghiêm kỷ luật là người tự do nhất. Khi đó, người thực hiện sẽ nhận thức được việc gì đúng, việc gì sai, việc gì nên làm, việc gì phải tránh. Nói như Chính trị viên Vũ Huy Hùng thì không hô hào khẩu hiệu, không gò bó hình thức, kỷ luật phải chuyển hóa thành nhận thức, thấm sâu vào đời sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Có như vậy, bộ đội mới tự giác thực hiện hiệu quả.

ĐỨC NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.