Giáo viên thiếu, cơ sở vật chất chưa đủ

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện cả nước có 76.856 giáo viên thể dục, thể thao (TDTT). Trong đó, giáo viên chuyên trách chiếm 74%, số còn lại là giáo viên bán chuyên trách. Đánh giá chung, giáo viên bộ môn này còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Riêng ở bậc học tiểu học, mới có khoảng 20% có giáo viên chuyên trách. Phần lớn giờ học của học sinh tiểu học là do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nên hiệu quả chưa cao.

Thừa nhận điều này khi trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: “Có thể nói, hoạt động GDTC, thể thao trong trường học đã góp phần phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc, giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh... Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, như: Giáo viên còn thiếu về số lượng và hạn chế trình độ năng lực. Cơ sở vật chất ở một số nhà trường phục vụ dạy học môn GDTC chưa đáp ứng yêu cầu”.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) học môn bóng chuyền trong giờ Giáo dục thể chất.

 Các trường ở vùng sâu, vùng xa thiếu trang thiết bị dạy học, dụng cụ luyện tập cho học sinh. Trường ở trung tâm, khu vực thành thị thì điều kiện sân chơi, bãi tập không được đáp ứng. Nói về điều này, ông Tăng Văn Hợp, Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương bày tỏ: “Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy bộ môn GDTC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Hiện, nhiều nhà trường còn thiếu phương tiện, đồ dùng dạy học. Đặc biệt, diện tích sân tập nhiều nơi không đủ, đường chạy chưa có, sân ném bóng, nhà đa năng còn ít. Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng giờ dạy và đổi mới phương pháp”. Thạc sĩ Nguyễn Thượng Lâm, chuyên viên Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng cho rằng: “Chất lượng và điều kiện cơ sở vật chất của các đơn vị cơ sở hiện nay là không đồng đều. Hoạt động học tập cũng như ngoại khóa TDTT của các trường ở Thủ đô đang gặp nhiều bất cấp, như: Thiếu sân bãi, dụng cụ chưa đáp ứng đủ”.

Cần thay đổi nhận thức về môn học

Vấn đề thiếu đội ngũ nhà giáo, hay cơ sở vật chất sẽ từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, điều quyết định lại nằm ở tư duy, nhận thức về môn học này trong cả đội ngũ nhà giáo, học sinh và xã hội.

GDTC là môn học bắt buộc trong chương trình. Ở bậc học mầm non chương trình học tập đã được tích hợp trong giáo dục vận động cho học sinh. Đối với bậc học phổ thông cũng được chú trọng hơn trước. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại tâm lý coi GDTC là môn học phụ. Thậm chí, nhiều giáo viên coi đây là hoạt động không mấy quan trọng trong nhà trường. Thế nên, giờ học GDTC không chỉ bị học sinh xem nhẹ mà còn khiến các em có tâm lý ngại học, hay chỉ học cho đủ điều kiện lên lớp.

Chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ băn khoăn về "số phận" của môn GDTC trong nhà trường: “Hiện nay, không ít nhà trường vẫn coi GDTC là môn phụ. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi nhận thức để khi nhắc tới các hoạt động GDTC, TDTT trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại học mà mong muốn được tham gia, trở thành đam mê, sở thích của các em, để chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất”. 

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng và triển khai, môn học GDTC được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt hơn. Điều này giúp học sinh có thể được lựa chọn các phân môn phù hợp với mình. Từ đó giúp các em hình thành sở thích, đam mê với TDTT và với môn học GDTC, dần thay đổi suy nghĩ về môn học. Tuy nhiên, chỉ từ phía học sinh là chưa đủ mà yếu tố quyết định nhất lại là thái độ, nhận thức của lãnh đạo nhà trường, của giáo viên, trước hết là thầy cô giáo dạy học môn GDTC. Muốn làm được điều đó, phải đặt vị trí của môn học đúng với tầm quan trọng của nó. Ngoài việc tăng thêm thời lượng cho môn học, cần bảo đảm tốt các cơ chế đặc thù cho giáo viên giảng dạy, như: Phụ cấp trang phục, phụ cấp hoạt động ngoài trời...

Cùng với đó là cần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và xã hội để khuyến khích học sinh tham gia học tập môn GDTC và các hoạt động TDTT trong nhà trường. Để làm được điều đó, các nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung phải thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT, các giải thi đấu thiết thực tạo nên sức hấp dẫn cho phong trào TDTT trong trường học. Thông qua đó, giúp nâng cao sức khỏe, tạo thói quen rèn luyện thể lực cho học sinh. Khi nhận thấy được sự cần thiết của hoạt động này, chắc chắn nhà trường sẽ nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và sự hưởng ứng của học sinh. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn GDTC trong nhà trường.

Bài, ảnh: DUY VĂN