Mô hình xét tuyển mới thu hút nhiều thí sinh

Chiều 12-8, hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, tuyển sinh ĐH năm 2016, chúng tôi đến một số trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội có tham gia xét tuyển theo nhóm chung. Các thí sinh đến nộp hồ sơ cũng không quá nhiều như lo ngại của các nhà trường trước đó, bởi hầu hết thí sinh đã tiến hành đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến, đối với các em ở xa thì nộp hồ sơ theo đường bưu điện.

Mặc dù có thể đăng ký theo cách trực tuyến, song thí sinh Đỗ Trọng Hoàng Nam ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vẫn cùng bố lên tận Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nam cho biết: "Năm nay em nộp hồ sơ nguyện vọng 1 ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với việc xét tuyển chung này, cơ hội của chúng em được tăng lên và việc nộp hồ sơ cũng như công tác xét tuyển thuận lợi sẽ giúp chúng em yên tâm hơn".

Các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tại Trường Đại học Thủy lợi, chiều 12-8. 

Nhóm xét tuyển GX nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh khi tìm hiểu thông tin trong ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2016. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường chủ trì, đồng thời là một trong 12 trường tham gia mô hình xét tuyển chung, sử dụng chung phần mềm và cơ sở dữ liệu trong xét tuyển (được gọi tắt là nhóm GX). Nhóm được lập ra trên cơ sở các trường tự nguyện tham gia như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Thủy lợi… Ban đầu, xuất phát từ tình hình tuyển sinh các năm trước và chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường thành lập nhóm tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề xuất thành lập nhóm xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2016. Ban đầu, có 8 trường tham gia nhóm GX. Sau đó, với những ưu thế mà nhóm thể hiện, có thêm 4 trường nữa đăng ký tham gia, nâng tổng số lên 12 trường. Các trường tham gia xét tuyển theo nhóm GX sử dụng duy nhất kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm quản lý, vận hành.

Tính đến cuối giờ chiều 12-8, thời gian chốt số lượng thí sinh đăng ký theo hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, thì số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào nhóm 12 trường GX, kể cả trực tuyến và nộp hồ sơ (chưa tính thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo đường bưu điện có thể đến muộn) là 71.659 thí sinh, chiếm khoảng 1/6 lượng thí sinh của cả nước (404.000 thí sinh trên điểm sàn). Trong đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 12.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tổng số đăng ký cả 4 nguyện vọng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là hơn 24.000 thí sinh.

PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: Các trường tuyển sinh theo nhóm GX đã thể hiện tốt vai trò của mình trong công tác xét tuyển. Nhóm GX đã tạo nên sức hút lớn đối với thí sinh trong cả nước thể hiện qua số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trong nhóm. Các trường khi tham gia xét tuyển theo nhóm đều thể hiện ý thức cao, vào giờ chót đăng ký xét tuyển mọi việc đều diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của thí sinh, phụ huynh, của lãnh đạo ngành GD&ĐT.

Khắc phục những hạn chế trong xét tuyển độc lập

Việc tham gia chung vào một nhóm xét tuyển đã giúp các trường giảm được tình trạng thí sinh trúng tuyển “ảo” nhờ vào việc sử dụng chung cơ sở dữ liệu. Các trường sẽ tự lọc số thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 và không xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Cũng chính từ việc giảm thí sinh trúng tuyển "ảo" sẽ tăng thêm cơ hội trúng tuyển thực cho các thí sinh khác. Hơn nữa, việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng thuận lợi và ít tốn kém hơn. Khi thí sinh có thể đăng ký trực tuyến hoặc lựa chọn đến một trường bất kỳ trong nhóm để đăng ký xét tuyển, phí xét tuyển đối với thí sinh đăng ký cả 4 nguyện vọng cũng giảm xuống.

Dù là xét tuyển chung, song các trường tự chủ vẫn bảo đảm được tính chủ động trong xét tuyển khi trực tiếp cập nhật được điểm số, dữ liệu, các thông tin chung của thí sinh trên hệ thống. Chính cách làm mới, với cơ sở dữ liệu đồng bộ này, dù là xét tuyển trong một nhóm chung song nhờ dùng chung cơ sở dữ liệu, lại giúp các nhà trường chủ động hơn trong công tác xét tuyển của mình.

Theo GS, TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, năm nay với việc tham gia mô hình xét tuyển theo nhóm GX, các trường sẽ chủ động hơn khi làm công tác xét tuyển. Tính đến hết ngày 11-8, Trường ĐH Thủy lợi đã nhận được hơn  3.000 hồ sơ nguyện vọng 1 và gần 6.000 hồ sơ các nguyện vọng 2-3-4. Với số hồ sơ này đã đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Vì vậy, nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc sắp xếp chỉ tiêu tuyển và có thể sẽ không cần phải tổ chức tuyển đợt 2.

Về việc xét tuyển theo nhóm của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Bộ GD&ĐT hoàn toàn ủng hộ các trường ĐH thành lập nhóm tuyển sinh để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh và nhà trường trong công tác xét tuyển. Thực tế, đến thời điểm này, mô hình xét tuyển theo nhóm của 12 trường ĐH lớn do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì đang thể hiện được những ưu thế mà các trường xét tuyển độc lập chưa có được. Đây là một mô hình được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Trong những năm tới, bộ cũng tính toán tới việc nhân rộng mô hình này trong xét tuyển sinh đại học.

Tính đến tối 13-8, đã có hơn 50 trường ĐH trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển ĐH năm 2016. Các trường vừa công bố có điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ mức điểm sàn (15 điểm) cho đến khoảng trên dưới 25 điểm như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ 15 đến 21,5 điểm; ĐH Vinh từ 15 đến 25,5 điểm; ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh từ 16 đến 21,5 điểm…

Cũng trong tối 13-8, một số trường thuộc nhóm GX đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Theo đó, đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngành có số điểm cao nhất là Kế toán (25,5 điểm); Trường ĐH Giao thông vận tải có mức điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là ngành Công nghệ thông tin với 22,5 điểm; Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (18,5 điểm); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển (tính theo hệ số quy đổi chia 3, hoặc chia 4 với ngành có môn chính nhân hệ số) cao nhất là các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính… (8,82 điểm), thấp nhất là 6,52 điểm ở các ngành có liên kết đào tạo. 

Mặc dù tính ưu thế của việc xét tuyển theo nhóm là dễ nhận thấy, song việc xét tuyển theo nhóm GX lần đầu tiên được đưa vào thực tế nên cũng bộc lộ một số điểm cần phải rút kinh nghiệm. Ví như, trong các tình huống đột xuất, để đưa ra ý kiến chung, các trường lại phải họp thống nhất để bảo đảm tính tự chủ của tất cả các trường trong nhóm không bị ảnh hưởng. Trước đó, ngày 2-8, các trường trong nhóm đã nhanh chóng đi đến thống nhất miễn hoàn toàn lệ phí xét tuyển cho các thí sinh ở 4 tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Hơn nữa, dù tránh được nguy cơ thí sinh "ảo" trong các nhóm trường, song bản thân thí sinh vẫn có thể đăng ký 1 trường ngoài nhóm. Chính vì vậy, xác suất thí sinh "ảo" vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, để tiến tới nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ đó nâng chất lượng đào tạo ĐH, việc thống nhất nhóm tuyển sinh trong công tác xét tuyển cũng là điều mà các trường ĐH và Bộ GD&ĐT nên tính đến trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: DUY VĂN