Tin này buồn nhưng quả thật không bất ngờ, bởi năm ngoái, thầy đã nói với tôi về ý định nghỉ việc. Cuộc sống và điều kiện gia đình là một trong những lý do khiến thầy cũng như nhiều giáo viên khác đã phải nghỉ việc thời gian qua. Theo thống kê, năm học 2022-2023, cả nước có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và bỏ việc, đối lập với con số toàn quốc còn thiếu hơn 118.000 giáo viên.

Hai năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm, nhưng chỉ tuyển được hơn một nửa. Sau 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục và đào tạo đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn học mới hoặc các môn học vốn là tự chọn thì nay chuyển sang bắt buộc...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Nhiều địa phương phải đối mặt với nỗi buồn thiếu giáo viên. Trong hai năm qua, hầu hết công trình trường học được xây mới trên địa bàn quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng không phát huy hết công năng do thiếu giáo viên. Còn ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), các thầy cô phải “chạy sô” để dạy ở hai trường... Giáo viên thì thiếu mà số học sinh thì ngày càng tăng.

Vì thế, mặc dù còn nhiều băn khoăn nhưng giải pháp hạ chuẩn đang được nhiều địa phương ủng hộ. Bởi chất lượng dạy học chắc chắn sẽ không bảo đảm nếu thiếu giáo viên. Mà rõ ràng, giáo viên không thể mãi là đội ngũ hợp đồng với thu nhập bấp bênh, không ổn định hay “giáo viên chữa cháy” kiểu mượn giáo viên ở Hà Nội dạy học online cho học sinh ở Hà Giang, Yên Bái... như hiện nay.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải đề xuất cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng thay vì đại học như Luật Giáo dục 2019 vào chương trình xây dựng nghị quyết của Quốc hội. Việc làm cực chẳng đã này là để có thêm nguồn tuyển giáo viên. Thế nhưng dù vì điều gì, hạ chuẩn cũng là bước thụt lùi trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong khi điều chúng ta mong đợi là chuẩn giáo dục phải luôn được nâng cao, đáp ứng xu hướng đi lên của xã hội, của xu thế hội nhập toàn cầu.

Ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước thế “quay đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Không hạ chuẩn thì khó đáp ứng yêu cầu thiếu giáo viên trước mắt. Còn nếu hạ chuẩn thì chất lượng không thể đáp ứng yêu cầu của luật và chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nên nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, có lẽ cần kèm theo những quy định chặt chẽ, bởi lùi một bước không khéo lại dẫn đến bước hụt chân của cả hệ thống.

Hạ chuẩn chỉ có thể là giải pháp ứng phó với tình huống trong khi cần kíp đưa ra các giải pháp tổng thể để nâng chuẩn giáo dục. Chúng ta không thể nợ chuẩn vô thời hạn. Ngành giáo dục và đào tạo cần sớm nghiên cứu phương án nâng cao chế độ tiền lương, tăng chế độ đãi ngộ. Chỉ khi giáo viên sống được bằng lương, hạnh phúc với nghề thì họ mới lựa chọn gắn bó lâu dài, tâm huyết, sáng tạo vì thế hệ tương lai.

HIỀN VINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.