Trung học lạ, tiểu học đã quen hơn chương trình mới
Sau một năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, cô giáo Nguyễn Mai Anh, Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Học sinh hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với lớp 1. Quá trình dạy học, ngoài thời gian phải học online vì giãn cách, cô, trò không gặp trở ngại gì lớn. Những bỡ ngỡ ban đầu đã được khắc phục qua từng buổi học. Kết thúc năm học, các con đều đọc thông, viết thạo, phát triển tốt các kỹ năng học tập, kỹ năng sống...”. Với khối lớp 2, do học sinh đã quen với chương trình mới lớp 1, mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn. Chị Nguyễn Thị Hòa (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có con học Trường Tiểu học La Khê (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Năm nay dù học online nhưng tôi khá yên tâm với chương trình mới. Con tôi đã quen với cách dạy của thầy, cô và chương trình. Tuy hiện nay đang phải học online nhưng con đã biết sử dụng phần mềm học theo hướng dẫn của cô”.
 |
Học sinh Trường Tiểu học Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) học trực tuyến theo chương trình mới. |
Khác với cấp tiểu học, năm nay cấp trung học cơ sở (THCS) lần đầu triển khai chương trình GDPT mới. Khi thực hiện bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nòng cốt các trường ở một số địa phương, PGS, TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng, dạy phần kiến thức tích hợp (Lý-Hóa-Sinh, Lịch sử-Địa lý...) chính là khó khăn nhất hiện nay của giáo viên.
Là giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử-Địa lý của Trường THCS Lê Lợi (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), cô giáo Ngô Thị Thu Hương nhìn nhận: “Qua một số buổi học của học sinh lớp 6, cá nhân tôi thấy rằng, nhìn chung các em học sinh tỏ ra khá hào hứng với việc học, có khả năng tiếp thu tốt nội dung bài học. Chúng tôi đang cố gắng tìm mọi cách để bù đắp khoảng trống do phải học online để các em có thể tiếp nhận chương trình mới một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để giảng dạy tốt các môn học tích hợp, giáo viên gặp không ít khó khăn vì hầu như không có giáo viên nào được đào tạo đầy đủ các phân môn được tích hợp trong môn học. Bên cạnh đó, dù có sự chuẩn bị để giảng dạy chương trình mới, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Một số thiết bị dạy học cũ phần đã hư hỏng, phần không đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Thiết bị dạy học mới chưa được trang bị đầy đủ, phần mềm chưa được cập nhật chương trình mới khiến cho việc dạy học, quản lý lớp của giáo viên khó khăn hơn”.
Mở các mã ngành mới mang tính tích hợp
Để giải quyết những khó khăn trong chương trình GDPT mới, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, giáo viên cần phải thay đổi tư duy, từ đó thay đổi cách tổ chức hoạt động dạy học. Hoạt động dạy học đối với giáo viên giờ đây không phải chỉ để thầy, cô truyền đạt kiến thức, mà ở đó, giáo viên phải tổ chức được các hoạt động dạy học sáng tạo để học sinh tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Cô giáo Ngô Thị Thu Hương cho biết: “Để làm được điều đó, ngoài việc nắm chắc chương trình, giáo viên còn cần phải có năng lực sư phạm, có khả năng cao về thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học”.
Đánh giá cao vai trò của các giáo viên trong triển khai chương trình GDPT mới, bà Phan Thị Thảo Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay với các trường là giải bài toán giáo viên dạy môn tích hợp. Để dạy tích hợp, thầy, cô giáo cần được bồi dưỡng. Hiện nay, trường giải quyết bằng cách bố trí một số giáo viên nòng cốt để tiếp cận chương trình mới. Họ sẽ là những “máy chủ” nắm thật kỹ để truyền đạt kinh nghiệm và triển khai chương trình GDPT mới những năm tiếp theo”.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Văn Thụ, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Vì vậy, ngay từ khi chương trình được ban hành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã điều chỉnh chương trình theo hướng tiếp cận năng lực. Trường cũng mở một số mã ngành mới mang tính tích hợp như: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch Sử-Địa lý. Sinh viên được tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại để khi trở thành giáo viên có thể dạy học đáp ứng yêu cầu mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có khả năng phát triển chương trình môn học. Cụ thể, với sinh viên tốt nghiệp năm 2021, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun thực hiện Chương trình GDPT mới: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Bài và ảnh: KIM HỒNG