Cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới
Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam. Phát biểu tại phiên khai mạc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tại thời điểm này, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, trong đó có cả thách thức riêng mang tính quốc gia lẫn khu vực và toàn cầu. Việc có được quyết sách phù hợp trên cơ sở các luận cứ, luận chứng khoa học thuyết phục để tận dụng thời cơ, biến thách thức thành lợi thế phát triển là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức hội thảo một mặt thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu với đồng nghiệp về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, mặt khác tạo cơ hội để thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra với Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế.
Nhấn mạnh tới chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” của hội thảo lần này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định là một nước đang phát triển, trong khi yêu cầu tất yếu của Việt Nam là phải phát triển với tốc độ nhanh nhất có thể để thu hẹp khoảng cách với các nước, điều quan trọng hơn hết là làm sao phải phát triển nhanh nhưng phải bền vững. “Phát triển phải đáp ứng yêu cầu của ngày hôm nay nhưng không được tác động tiêu cực tới việc giải quyết các yêu cầu của tương lai, làm sao để thế hệ con cháu không phải vất vả giải quyết những hậu quả tiêu cực do phát triển không bền vững của hôm nay để lại”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất toàn diện. Cộng đồng quốc tế luôn đánh giá Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới. Việt Nam cũng được nhìn nhận là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những thành tựu đó ngoài nỗ lực và phấn đấu không mệt mỏi của người dân Việt Nam, còn phải kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà khoa học quốc tế. “Những nghiên cứu đánh giá, khuyến nghị của các kỳ hội thảo quốc tế Việt Nam học trước đây đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước Việt Nam hoạch định, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Hội thảo cũng là nhịp cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận, chính xác hơn”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tại phiên khai mạc hội thảo.
Xử lý khéo léo quan hệ với các nước lớn
Tại hội thảo lần này, ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam là chủ đề nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều học giả.
Đánh giá về chính sách đối ngoại của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đến nay, nhiều học giả cho rằng, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển đất nước. Theo học giả N.Cháp-man (Nicholas Chapman) của Đại học Quốc tế Nhật Bản, nhờ chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế ngày càng cao trong các quan hệ song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, đồng thời gặt hái được nhiều thành quả kinh tế khi hội nhập lớn hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, GS C.Thay-ơ (Carl Thayer) của Đại học New South Wales (Ô-xtrây-li-a) đánh giá Việt Nam đã xử lý khéo léo quan hệ với các nước lớn. Theo vị học giả người Ô-xtrây-li-a, Việt Nam đã nỗ lực sử dụng kênh quốc phòng nhằm cho mỗi đối tác một vai trò bình đẳng đối với sự phát triển và ổn định của Việt Nam, từ đó bảo đảm sự tự chủ chiến lược cũng như chính sách không liên minh, liên kết của mình. “Việt Nam đã nỗ lực tránh bị vướng vào cuộc cạnh tranh chiến lược địa-chính trị bằng cách theo đuổi một sự cân bằng đa cực giữa 7 cường quốc lớn là: Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp. Nhìn chung, mạng lưới các quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện là phương tiện giúp Việt Nam quan hệ khéo léo với các cường quốc nhằm bảo vệ độc lập và tự chủ”, GS C.Thay-ơ nhận xét.
Các học giả thảo luận tại Tiểu ban về ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, GS Vũ Dương Ninh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra một số thách thức chính của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo GS Vũ Dương Ninh, trong khi chưa khắc phục xong hậu quả chiến tranh chất độc da cam/đi-ô-xin, bom mìn thì mối đe dọa an ninh lại luôn rình rập.
Chia sẻ tại hội thảo, GS Vũ Dương Ninh cũng nhấn mạnh tới tác động của “Diễn biến hòa bình” đối với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Theo ông, đã đến lúc cần mở rộng khái niệm "Diễn biến hòa bình" thay vì chỉ dừng lại ở vấn đề dân chủ, nhân quyền hay tôn giáo. “Diễn biến hòa bình hiểu theo đúng nghĩa chính là sự xâm lấn từ từ, lặng lẽ không bằng súng đạn nhưng từng bước nhằm vào quyền tự chủ của dân tộc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, để đến thời cơ nào đó sẽ lộ rõ bộ mặt, dùng thủ đoạn bạo lực hoặc không bạo lực để xâm chiếm độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia”, GS Vũ Dương Ninh nói. Cũng theo GS Vũ Dương Ninh, cần phải nhận thức rõ ràng và dứt khoát rằng, nguy cơ Diễn biến hòa bình "không chỉ đến từ siêu cường cách biển mà còn đến từ cường quốc gần bờ".
Trong bối cảnh tình hình thế giới thời gian tới chứa nhiều yếu tố bất ổn, theo GS B.Um-mác (Brantly Womack) thuộc Đại học Virginia (Mỹ), những gì Việt Nam nên làm là phải bình tĩnh. “Bình tĩnh ở đây không đồng nghĩa với thụ động. Bình tĩnh ở đây gắn liền với chủ động. Bình tĩnh phải được thực hiện liên tục và xuyên suốt”, GS B.Um-mác chia sẻ đề xuất. Chia sẻ quan điểm này, GS V. Cô-lô-tốp (Vladimir Kolotov) của Đại học Quốc gia Xanh Pê-téc-bua (Nga) đã viện dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến ứng vạn biến” khi đưa ra đề xuất dành cho Việt Nam trong giải quyết mối quan hệ với các nước lớn.
Bài và ảnh: HOÀNG VŨ