Còn mo cau không phải là một thứ xa lạ đối với những đứa trẻ lém lỉnh sinh ra và lớn lên ở làng quê vào thời của chúng tôi, khi ngây ngô sử dụng để đối phó với những trận đòn roi của cha mẹ. Vậy là hóa ra, đòn roi và mo cau cũng có chút liên quan đến giáo dục gia đình chứ? Đó có thể coi là hai vật mang tính biểu trưng của một bên là cách giáo dục cứng rắn, còn mo cau là hệ quả của cách giáo dục tiêu cực này-sự chống đối, phản kháng và đi đến phản tác dụng giáo dục.

Nói những điều đó, không có nghĩa cứ dùng đến đòn roi là tiêu cực. Ông cha ta xưa vẫn có câu truyền miệng về dạy con: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vậy nên, roi vọt, hay nói khác đi giáo dục cứng rắn kết hợp với những hình thức giáo dục phù hợp khác như răn dạy, chỉ bảo… sẽ cần có để tạo nên một tổng thể các phương thức của giáo dục và dạy dỗ trẻ nên người.

Ở cái thời của chúng tôi, mỗi lần phạm lỗi được coi là nghiêm trọng, trước một trận đòn roi, bao giờ cha tôi cũng yêu cầu hai anh em nằm sấp, ngay ngắn. Ông cẩn thận lấy một cái roi được để trên đầu tủ sách. Sau đó, ông yêu cầu hai anh em lần lượt trình bày "tội trạng" của mình, nói lên nhận thức và lời hứa, cuối cùng là nhận hình thức phạt. Có thể là một roi, có thể là hai roi. Nếu lỗi đáng nhiều roi, ông sẽ quất một roi cho nhớ rồi cho phép chúng tôi tự quy đổi ra bằng việc quét nhà hay rửa bát… để chuộc lỗi lầm. Sau mỗi trận đòn roi như thế, chúng tôi luôn nhớ mình không được phạm lại lỗi ấy nữa. Giờ đây, cha tôi đã già yếu, chiếc roi để răn dạy hai anh em ngày nào cũng không còn. Nhiều lúc, trước những bước chân lỗi nhịp giữa cuộc sống bộn bề, về với cha, anh em chúng tôi lại ước một lần được "nếm" những đòn roi của cha như ngày còn thơ bé.

Quay trở lại cuộc sống hiện đại, cách dùng đòn roi để răn dạy con của nhiều ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay có vẻ như không còn giữ được bản chất và tính giáo dục của nó nữa. Nhiều người coi việc cho con ăn một trận đòn không phải là việc quá hệ trọng. Nếu bực thì tát tai, thậm chí giậm cổ con mấy cái. Rồi văng tục, chửi bậy với con trẻ… Trẻ em như tờ giấy trắng, chính cách giáo dục, cách tô vẽ vào tâm hồn non nớt của các em, sự dạy dỗ chẳng mấy nhân văn sẽ là tác nhân làm cho trẻ thay đổi tính cách. Không ít đứa trẻ đã lớn lên trở nên hung hăng, bạo lực, nhiều đứa trẻ bị trầm cảm bởi những trận đòn đầy hằn học, những lời nhiếc móc hay những áp lực vô hình của mẹ cha.

Ngược lại với điều đó, cũng có những ông bố, bà mẹ quá cưng chiều con, luôn bao bọc con mình một cách thái quá, thậm chí không dám nặng lời với con trẻ khi chúng phạm lỗi lầm. Lúc ấy, có lẽ với họ, đòn roi là một hình phạt quá khủng khiếp dành cho con. Vô hình trung, trong trường hợp này, "chiếc mo cau" của con trẻ khi lớn lớn lên sẽ được hình thành một cách vô thức. Vì đã quen được nuông chiều, trẻ sẽ phản kháng dữ dội khi cha mẹ có những biểu hiện cứng rắn để răn dạy khi chúng mắc lỗi.

Có lẽ, đòn roi và mo cau ở thế hệ của chúng tôi giờ đây chỉ còn mang tính biểu tượng. Thế nhưng, cách dạy dỗ con trẻ vẫn rất cần có sự kết hợp hài hòa giữa nghiêm khắc với tính giáo dục, tính nhân văn để giúp trẻ như một cây được ươm mầm, nuôi dưỡng tốt và được uốn nắn để trở nên hữu ích cho đời.

THỦY SƠN