Trong xã hội học tập, mỗi công dân đều phải học tập thường xuyên trong mọi thời kỳ, lứa tuổi để trở thành công dân học tập.

Đi vào giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức, mỗi người dân đều phải hiểu được những yêu cầu đặt ra để gắn cuộc sống của mình với việc học tập. Hiện nay, học vấn phổ thông không đủ để con người sử dụng trong hệ thống sản xuất hiện đại. Tấm bằng tốt nghiệp phổ thông không còn giữ vai trò là hộ chiếu đi vào các nghề, mà chỉ là điều kiện để đi học nghề trong hệ thống trường dạy nghề hoặc trường đại học.

Lớp học đầu bờ về kỹ thuật chăm bón cây trồng do Trung tâm Học tập cộng đồng phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) tổ chức cho người dân.

Bên cạnh đó, do các cuộc cách mạng công nghiệp phát triển liên tiếp, vòng đời của một công nghệ rút ngắn lại, chu kỳ thay đổi kỹ thuật ngày càng mau hơn, những tri thức được tiếp nhận trong quá trình học tập chuyên nghiệp nhanh chóng bị lão hóa. Không cập nhật tri thức mới thường xuyên sẽ không thể bám trụ vào công việc nghề nghiệp của mình. Học tập liên tục để nâng cao học vấn chuyên môn và tay nghề là lý do tồn tại trong nghề đã chọn. Trong điều kiện nghề cũ mất đi, thay vào đó là những nghề mới, người lao động không học tập thường xuyên sẽ thiếu năng lực di chuyển nghề. Họ sẽ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất  nghiệp.

Mù chữ chức năng (mù chữ hành dụng) sẽ là rào cản để người lao động không đủ điều kiện theo đuổi nghề mà mình đã chọn. Tình trạng mù chữ chức năng thể hiện ở hiện tượng thiếu năng lực và kỹ năng cần thiết như mù ngoại ngữ, mù công nghệ, mù tin học và mù về những nghề mới. Học tập suốt đời chứa đựng nội dung xóa mù chức năng trong toàn bộ quãng đời làm việc. Khi về hưu, người ta vẫn cần phải xóa mù chữ chức năng để luôn có được những kỹ năng cần cho cuộc sống, thích ứng với những thay đổi trong xã hội.

Điều kiện cơ bản để con người học tập suốt đời là năng lực tự học, tự tu dưỡng. Không phải bất cứ lúc nào con người cũng có thể quay về nơi đã đào tạo nghề cho mình để học tiếp được hoặc đào tạo lại. Không phải lúc nào trong đời sống cũng có sẵn điều kiện để con người dừng công việc đang làm, thay vào đó là chế độ học tập theo trường lớp chính quy. Người lao động phải tự học, theo đuổi phương thức học tập không chính quy và phi chính quy, tức là cần gì học nấy, học để làm việc bằng tinh thần khởi nghiệp, bằng ý chí vươn lên.

Tự học là vấn đề mấu chốt để con người thực hiện học tập suốt đời. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia tham gia vào chương trình xây dựng xã hội học tập do UNESCO làm đầu mối liên kết, trong đó có Việt Nam đều hướng vào những nội dung xây dựng xã hội học tập. Đó là vận động và tổ chức toàn dân học tập suốt đời trong hệ thống giáo dục từ cơ sở đến đại học. Với người lớn, việc học các cấp học, bậc học chủ yếu theo hình thức học tập không chính quy và phi chính quy, thường không định hướng học lấy bằng cấp, mà là học để làm tốt hơn những nhiệm vụ đang đảm nhiệm. Coi trọng việc học tập tại nhà và tại cộng đồng thông qua nhiều phương thức học, khuyến khích tự học và tự học có hướng dẫn, học từ xa, học điện tử, học trực tuyến... Phát triển phương thức học tại nơi làm việc, vì công việc, tức là tổ chức học tập ngay trong doanh nghiệp, cơ quan. Cơ quan sử dụng lao động sẽ tiến hành đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho nhân lực tại chỗ. Nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại như máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại di động thông minh... Huy động nhiều nguồn lực khác nhau vào việc tổ chức học tập để nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập của mỗi người. Xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, từng đơn vị công tác.

Lớp học xóa mù chữ tại Trung tâm Học tập cộng đồng thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: UYÊN NHI

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 11.000 trung tâm học tập cộng đồng. Có thể coi các trung tâm như những công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập. Trước vấn đề học tập tại cộng đồng, chúng ta cần thực hiện một nền giáo dục mở với những tính chất cơ bản như liên kết, hợp tác, chia sẻ tri thức giữa các cơ sở có chức năng giáo dục và đào tạo, xây dựng một mạng lưới giáo dục thường xuyên và những dịch vụ giáo dục dày đặc để người dân ở các địa bàn dân cư đều tìm được cơ hội học tập suốt đời.

Trường đại học mở và các trường đại học có tính mở là trung tâm cung ứng tri thức khoa học cần thiết cho người dân. Với vai trò chủ đạo, trường đại học cùng với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tạo nên những kho dữ liệu học tập lớn mà ta gọi là tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời, xóa bỏ mọi rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật đối với việc học tập của mọi công dân để ai cũng được học tập trong sự công bằng xã hội và bình đẳng xã hội về giáo dục và đào tạo.

Nhà nước hoạch định những chính sách để hỗ trợ và khuyến khích việc học tập suốt đời, trước hết là những chính sách huy động các lực lượng khoa học xây dựng tài nguyên giáo dục mở, các cách truy cập mở đối với tài nguyên giáo dục, chính sách giáo dục thường xuyên... Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập và thành phố học tập theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tiếp tục triển khai Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn 2020-2030 về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.     

GS, TS PHẠM TẤT DONG, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam