Dịch Covid-19 quay trở lại vào tháng 5, đúng thời điểm nhiều trường đang chuẩn bị cho học sinh thi học kỳ. Để hoàn thành hồ sơ, tổng kết năm học cho học sinh, một số địa phương dự kiến tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, phương án này đang gặp phải nhiều băn khoăn.
Đối với thực tế Việt Nam, dạy học trực tuyến là một sự thay đổi linh hoạt để thích ứng với tình thế. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến không thể thay thế phương pháp dạy học trực tiếp truyền thống. Qua ý kiến phản ánh, nhiều địa phương gặp khó khăn khi tổ chức dạy học trực tuyến. Chủ yếu là cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đồng bộ, không đồng đều giữa các trường, kho học liệu chưa đáp ứng và phương pháp giảng dạy cũng như quản lý quá trình dạy học trực tiếp còn chưa quen, bất cập... Một khi chưa có “nền”, chưa có trải nghiệm của dạy học trực tuyến thì càng không thể kiểm tra định kỳ (KTĐK) bằng hình thức trực tuyến một cách chính xác được.
 |
Học sinh Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học trực tuyến.Ảnh: Hà Thu |
Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30-3-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hiệu lực từ ngày 16-5-2021 đã quy định, có thể kiểm tra thường xuyên bằng hình thức trực tuyến còn KTĐK (giữa kỳ và cuối kỳ) chỉ trong trường hợp “bất khả kháng” mới được dùng hình thức trực tuyến. Ở nhiều nước, dù học theo hình thức học tập từ xa nhưng khi thi, họ cũng yêu cầu học viên về tập trung tại trường, làm bài bằng hình thức trực tiếp.
KTĐK trực tuyến đòi hỏi những yêu cầu rất khác. Trước hết, nhà trường phải có đủ, đồng bộ phần mềm quản lý học sinh, quản lý học tập cũng như quản lý thi và kiểm tra; hệ điều hành quản trị trực tuyến phải đủ mạnh, đáp ứng nhiều thí sinh cùng truy cập vào cùng thời điểm diễn ra thi. Đặc biệt, để chống gian lận thi cử, cấu tạo đề kiểm tra không thể “bê” nguyên cách ra đề kiểm tra trực tiếp, phải có ngân hàng đề thi riêng. Đề bài và khung điểm cần có sự điều chỉnh linh hoạt, tăng cường việc đánh giá khả năng sáng tạo, tư duy phân tích, tránh nội dung học thuộc lòng và câu hỏi khiến thí sinh dễ hỏi người xung quanh. Cùng với đó phải có quy định, quy chế KTĐK trực tuyến rõ ràng, chi tiết, bảo đảm được sự công bằng, chính xác, an toàn, bí mật tuyệt đối đề thi.
Việc đánh giá chất lượng học sinh sẽ “ảo” nếu hình thức thi trực tuyến chuẩn bị thiếu chu đáo, thiếu chặt chẽ. Học sinh khối lớp 1 năm nay kết quả kiểm tra đánh giá có ý nghĩa rất lớn. Đây là căn cứ quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục qua năm đầu thực hiện thay sách giáo khoa mới. Học sinh lớp 1 không thể học qua trực tuyến và thành phố Hải Phòng đã dừng dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 và lớp 2. Do đó, Bộ GD&ĐT nên có kế hoạch riêng để kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 1 sau khi các em hoàn thành kế hoạch học tập cả năm.
Những trường chưa KTĐK cho học sinh, phương án khả thi lúc này là đợi khi học sinh trở lại trường sẽ tiếp tục tổ chức KTĐK. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi chỉ có thể tới ngày 30-5-2021, qua thời điểm này, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn lùi thời điểm kết thúc năm học 2020-2021. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể KTĐK trực tiếp, Bộ GD&ĐT có thể cho phép các trường được sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá thường xuyên cùng với kết quả KTĐK (đã có 3 lần/4 lần theo quy định) làm căn cứ xét lên lớp hoặc xét tốt nghiệp các cấp cho học sinh.
ĐẶNG TỰ ÂN (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam)