Tuy nhiên, kết thúc buổi thi, chỉ vì một trận mưa, chị và nhiều phụ huynh phải nháo nhác ngược xuôi, dẫn tới tình trạng lộn xộn trước cổng trường để tìm, đón con. Đó chỉ là một trong số những tình huống xảy ra tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà nhiều đơn vị còn lúng túng, dù đã diễn tập trước đó.

Tuần qua, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm hai mục tiêu vừa chống dịch, vừa bảo đảm chất lượng kỳ thi, hàng loạt điểm thi trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành diễn tập. Qua diễn tập, các đơn vị cho thấy sự chủ động ứng phó với những diễn biến của dịch, dự phòng các tình huống phát sinh để bảo đảm an toàn cao nhất cho thí sinh trong kỳ thi. Tuy nhiên, ở một số nơi, phần “diễn” có phần được chú ý hơn cả “tập”. Họ diễn đúng theo kịch bản chi tiết mà “trên” gửi xuống, ít chú ý liệu thực tế có thực sự diễn ra như vậy không?

 Ảnh minh họa/TTXVN

Phải nói rằng, làm gì có tập cũng hơn. Nhưng sẽ càng hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tránh được tập trung đông người nếu tập có trọng tâm. Những giả thiết liên quan đến biểu hiện bất thường về sức khỏe của thí sinh tưởng như là hoạt động quan trọng nhất trong các buổi diễn tập, nhưng thực tế đó lại là những tình huống khá cố định, có thể đoán biết và xây dựng kịch bản trước. Đặc biệt, những tình huống ấy đã được diễn tập khá nhiều trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tháng trước. Do đó, các trường có thể nghiên cứu tài liệu hoặc clip hướng dẫn.

Thay vì diễn tập dàn trải, thực hiện hết những công việc đã khá quen thuộc, các trường nên tập trung vào những tình huống phát sinh mới. Đó có thể là cách phân luồng dựa vào địa bàn, địa thế cụ thể của từng trường; các phương án khi trời mưa, tránh cảnh nhiều thí sinh bị ướt như đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Việc tổ chức phân luồng sau mỗi buổi thi cũng không kém phần quan trọng như thời điểm vào thi, bởi lúc này, những khuyến cáo “5K” có phần lỏng lẻo hơn. Ngoài ra, vấn đề ít nơi để ý và tìm phương án giải quyết là khoảng thời gian thí sinh tập trung trước cửa phòng thi. Theo quy định, mỗi phòng thi có 24 thí sinh, về mặt lý thuyết, nếu đứng thành hai hàng cũng cần ít nhất 24m. Như vậy, khi các lớp cạnh nhau cùng gọi thí sinh vào phòng thi, việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m là không khả thi.

Thiết nghĩ, tập các phương án giả định liên quan đến PCD là điều nên làm, nhưng những phần giống hệt nhau giữa các nơi, những nội dung đã thực hiện thường xuyên có lẽ không nên rườm rà. Thay vào đó, mỗi nơi nên dựa vào tình hình thực tế để tìm phương án hợp lý và tối ưu. Có như vậy, các trường sẽ không bị động, lúng túng trước những tình huống bất ngờ của kỳ thi.

THÁI AN