Thế nhưng hiện nay, tình trạng đối tượng học xong cử tuyển không được bố trí việc làm khá phổ biến ở nhiều địa phương, đòi hỏi cần xác định lại mục tiêu, điều chỉnh về chính sách, đặc biệt gắn chặt với nhu cầu sử dụng để phù hợp với thực tiễn.

Cử tuyển là hình thức đào tạo không qua thi tuyển dành cho con em đồng bào DTTS được vào học tại trường đại học, cao đẳng trên cả nước; được hỗ trợ học phí, học bổng, khi ra trường được bố trí việc làm nhằm bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng đồng bào DTTS, vùng núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian đầu, chính sách cử tuyển phát huy hiệu quả trên 3 địa bàn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, tình trạng sinh viên cử tuyển ra trường không bố trí được việc làm ngày càng tăng. Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2015 đến nay không đăng ký chỉ tiêu cử tuyển. Cũng theo kết quả giám sát hỗ trợ phát triển vùng DTTS miền núi của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tình trạng không bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp diễn ra tại hầu khắp các tỉnh, thành phố có chính sách này. Từ năm 2010 đến nay, trong 4.517 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển mới bố trí việc làm được 1.663 người, đạt 36,75%.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết: “Mấy năm qua, tỉnh không cử học sinh học cử tuyển, vì nhiều em được học cử tuyển khi về địa phương cũng phải tham gia thi tuyển bình đẳng, công khai như các đối tượng khác”.

Nguyên nhân của việc địa phương không bố trí được việc làm cho các đối tượng học cử tuyển có nhiều, như: Chỉ tiêu cử tuyển chưa gắn với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, không gắn với công tác quy hoạch cán bộ. Mặt khác, do yêu cầu tinh giản biên chế, chính sách thu hút nhân tài, số lượng được tuyển ít hoặc nhu cầu tuyển dụng của địa phương có thể thay đổi. Ngoài ra, chất lượng đầu vào cử tuyển hạn chế, đầu ra thấp, không đáp ứng được vị trí việc làm nên một số cơ quan, đơn vị không muốn nhận người cử tuyển. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm bình quân có 11 sinh viên cử tuyển bỏ học giữa chừng, do không theo kịp chương trình đào tạo.

Việc sinh viên cử tuyển ra trường không được bố trí việc làm không chỉ gây lãng phí tiền bạc, công sức mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để điều chỉnh một số bất cập về cử tuyển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2015/NĐ-CP.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để chính sách cử tuyển thực sự ưu việt thì việc đầu tiên là cần nâng cao chất lượng nguồn đầu vào, nhất là với những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề, trình độ cao. Ví như ngành y không thể chỉ vì địa phương thiếu bác sĩ mà lấy học sinh có học lực trung bình để đi đào tạo. Đồng thời, cần có chính sách bổ trợ để học sinh cử tuyển được học thêm kiến thức, được kéo dài thêm thời gian học dự bị để khi tiếp cận chương trình chung sẽ đáp ứng được chất lượng đào tạo, đầu ra bảo đảm. Được biết, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành có sửa đổi Điều 90 về chế độ cử tuyển, dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: “Chính sách cử tuyển cần được xác định có mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để người DTTS được học tại các cơ sở đào tạo có chất lượng, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; nguồn nhân lực có chất lượng. Học sinh được cử tuyển phải có học lực khá, giỏi, thậm chí thực hiện cử tuyển đối với học sinh thi đỗ đại học để sau thời gian bồi dưỡng, dự bị, các em có thể học ngang bằng với những sinh viên khác. Ưu tiên cử tuyển đối với học sinh dân tộc rất ít người, học sinh DTTS là người thuộc dân tộc có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thấp. Thực hiện cử tuyển phù hợp với nhu cầu địa phương, thị trường lao động, ngành nghề phù hợp với năng lực của học sinh. Phương thức hỗ trợ học bổng, học phí có điều kiện theo hướng tăng mức hỗ trợ với người học có kết quả tốt. Người được cử tuyển phải có trách nhiệm về công tác tại địa phương, được ưu tiên tạo điều kiện có việc làm, được tạo điều kiện, hỗ trợ để tiếp tục học tập, đào tạo nhằm nâng cao trình độ”.

KIM DUNG