Học 6 năm có hai bằng cử nhân

Năm học 2017-2018, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội, có 7 ngành tuyển sinh bằng kép là: Báo chí, Khoa học quản lý, Lịch sử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quốc tế học, Tâm lý học, Văn học. Đối tượng tuyển sinh là sinh viên chính quy trong các khoa của trường và từ các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, như: Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Giáo dục. Đặng Ngọc Linh, sinh viên K58, Khoa Thông tin thư viện, Trường Đại học KHXH&NV cho biết, rất nhiều bạn của em trong trường đăng ký theo học chương trình đào tạo thứ 2 của trường. Để theo học chương trình này, sinh viên phải học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất và có điểm trung bình chung các học phần tính từ đầu khoá học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ 2 đạt từ 2,00 trở lên (theo phương thức tín chỉ). Hiện tại, Linh cũng đang theo học ngành học thứ hai là Báo chí và sắp lấy bằng. Linh tính toán, nếu học tốt thì tối đa trong vòng 6 năm học, các em sẽ có trong tay hai bằng cử nhân.

Một giờ học do giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: http://hanoimoi.com.vn)

Theo tìm hiểu của phóng viên, lo lắng cho việc làm trong tương lai là tâm lý chung khiến sinh viên phấn đấu theo học hai chuyên ngành, thậm chí hai trường cùng một lúc. Nguyên nhân này cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay, theo báo cáo thống kê thị trường lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với các nhóm lao động khác. Chỉ trong quý III-2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II-2017. Trong khi đó, đòi hỏi yêu cầu đáp ứng công việc của các nhà tuyển dụng hiện nay ngày càng cao. Điều này buộc sinh viên phải phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng trước khi rời ghế nhà trường. Nguyễn Mai Lan, sinh viên K59, Khoa Thông tin thư viện, Trường Đại học KHXH&NV cho biết, mục đích em theo học thêm bằng 2, ngành Quốc tế học của trường là để tăng khả năng giao tiếp, vốn ngoại ngữ tiếng Anh, kỹ năng tin học,... Lan hy vọng, với tấm bằng kép trong tay, sau khi ra trường, em sẽ dễ dàng đáp ứng được yêu cầu công việc của các công ty, doanh nghiệp.

PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận, nắm bắt nguyện vọng của sinh viên, trong vài năm gần đây, việc đào tạo bằng kép tại các cơ sở đào tạo khá phổ biến. Mỗi năm, số sinh viên đăng ký chương trình đào tạo thứ 2 của các trường đại học trong nước ngày càng tăng. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tạo điều kiện cho sinh viên của trường học song bằng theo các hình thức: Học bằng 1 ở Trường Bách khoa và học thêm chuyên ngành khác ở một trường đại học khác để lấy bằng 2 hoặc học cùng một lúc hai chuyên ngành khác nhau tại trường. Đối với chương trình đào tạo này, dựa theo hệ thống tín chỉ mà sinh viên tích lũy được ở bằng 1, các em có thể đăng ký học bằng 2. Như vậy, để có thêm bằng 2, sinh viên chỉ cần học thêm 40-50% tín chỉ của chuyên ngành đó.

Đừng chạy theo bằng cấp thuần túy

Rút ngắn thời gian học tập, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên là lợi ích ai cũng dễ nhận thấy qua việc học bằng kép. Tuy nhiên, đây không phải là thử thách dễ vượt qua đối với hầu hết sinh viên. PGS, TS Trần Văn Tớp phân tích nhiều vấn đề đặt ra trong việc đào tạo bằng kép. Trước hết, đối với sinh viên, điều kiện bắt buộc là các em phải có kinh tế để đủ trang trải học phí. Mặc dù, chí phí học không cao gấp đôi nhưng rõ ràng, chi phí học hai bằng sẽ nhiều hơn so với học một bằng. Tuy nhiên, điều kiện về kinh tế chưa phải là điều kiện quan trọng nhất. Một trong những điều kiện cốt lõi của việc học bằng kép là lực học của sinh viên. Vì vậy, chỉ có những sinh viên có tố chất tốt, kết quả học tập bằng 1 cao mới có đủ khả năng theo học cùng lúc cả hai chuyên ngành của trường. 

Ngoài năng lực của người học, chất lượng đầu ra là vấn đề mà GS, TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đặt ra khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. GS, TSKH Đào Trọng Thi cũng chỉ ra lợi ích khi sinh viên học bằng kép. Việc có trong tay hai tấm bằng cử nhân sẽ giúp người học dễ dàng thay đổi ngành nghề trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của xã hội phát triển. Tuy nhiên, GS, TSKH Đào Trọng Thi khẳng định, chất lượng đầu ra chỉ bảo đảm khi khâu đánh giá của các cơ sở đào tạo được thực hiện nghiêm túc, chính xác. Để làm được điều này, các nhà trường cần lưu ý thực hiện đúng quy định quản lý đào tạo chương trình đào tạo thứ 2.

Bên cạnh đó, GS, TSKH Đào Trọng Thi lưu ý, sinh viên phải cân nhắc và lượng sức mình khi theo học hai bằng. Thông thường mỗi học kỳ, một sinh viên thường học 15 đến hơn 20 tín chỉ, nhưng khi học thêm một ngành, tổng số tín chỉ có thể lên tới gấp rưỡi hoặc thậm chí gần gấp đôi. Thực tế, học hành vất vả, không ít sinh viên đã phải “đứt gánh giữa đường” vì không đủ năng lực, sức khỏe để theo học. Vì vậy, việc ra trường với hai tấm bằng đại học chưa chắc có giá trị bằng tốt nghiệp một bằng với năng lực giỏi. “Các em đừng chạy theo thành tích mà hãy cân nhắc kỹ việc học chuyên ngành đó có lợi cho mình hay không và năng lực của mình đến đâu. Nếu đủ khả năng học bằng kép, các em phải xây dựng kế hoạch học tập tương ứng”, GS, TSKH Đào Trọng Thi đưa ra lời khuyên.

NGUYỄN HOÀI