Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện ĐBCLGD, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Phóng viên (PV): Thưa ông, công tác ĐBCLGD đại học có những đặc điểm nào đáng lưu ý?

TS Nghiêm Xuân Huy: ĐBCLGD là quá trình thực hiện các hoạt động giám sát, đối sánh, hỗ trợ nhằm nhận diện, đánh giá, cũng như cải tiến chất lượng các mặt hoạt động của trường đại học theo những tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập (cấp quốc gia hoặc quốc tế). Trường đại học có 3 sứ mệnh cốt lõi: Đào tạo; nghiên cứu khoa học; gắn kết và phát triển cộng đồng. ĐBCLGD chính là việc đảm bảo để trường đại học thực hiện tốt 3 sứ mệnh nêu trên.

TS Nghiêm Xuân Huy. Ảnh: ANH HUY.

Hoạt động đảm bảo chất lượng gồm có hai quy trình: Đảm bảo chất lượng bên ngoài (EQA) và đảm bảo chất lượng bên trong (IQA). Đảm bảo chất lượng bên ngoài, trong đó có hoạt động kiểm định, do một tổ chức độc lập thực hiện, nhằm giúp trường đại học nhận diện những điểm mạnh, điểm cần khắc phục, đồng thời đưa ra các khuyến cáo để trường đại học cải tiến chất lượng. Đảm bảo chất lượng bên trong là thực thi nhiều giải pháp để đảm bảo cơ sở giáo dục đại học thực hiện được sứ mệnh cũng như các mục tiêu phát triển của mình. Đây chính là công việc mà Viện ĐBCLGD đang là đầu mối thực hiện tại ĐHQGHN.

PV: Việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy mới đây thuộc Viện ĐBCLGD có phải là bước đi để đảm bảo chất lượng dạy và học được nâng cao, thưa ông?

TS Nghiêm Xuân Huy: Trung tâm sẽ đi sâu vào nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ công tác giảng dạy của giảng viên tại ĐHQGHN. Trung tâm sẽ hỗ trợ giảng viên ở hai vấn đề chính là phương pháp giảng dạy và công nghệ giảng dạy. Phần cốt lõi của hoạt động giáo dục đại học là công tác đào tạo; một khi chất lượng đào tạo được đảm bảo thì chất lượng các hoạt động khác tăng theo. Lãnh đạo ĐHQGHN đã cân nhắc để đi đến quyết định đặt trung tâm nằm trong viện chính là nhằm tích hợp đảm bảo chất lượng hệ thống với đảm bảo chất lượng dạy và học, đảm bảo các sứ mệnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Học viên làm việc theo nhóm tại khóa tập huấn do Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Xây dựng tổ chức. Ảnh: ANH HUY.

PV: Được biết ĐHQGHN là đơn vị đi đầu cả nước trong hoạt động ĐBCLGD, vậy viện đã có tư vấn, hỗ trợ gì cho các trường đại học trong hệ thống giáo dục Việt Nam?

TS Nghiêm Xuân Huy: ĐHQGHN có rất nhiều kinh nghiệm về ĐBCLGD, là thành viên sáng lập Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), nòng cốt cho hoạt động ĐBCLGD của ASEAN. Viện có chức năng chuyển giao công nghệ giáo dục, tư vấn, tập huấn cho các trường đại học xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Xuất phát từ các kết quả nghiên cứu, viện đã và đang thực hiện các báo cáo đánh giá, tư vấn cho các trường đại học về kiểm định và xếp hạng đại học như: Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nội vụ, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Tây Đô, Học viện Kỹ thuật Quân sự…  

PV: Theo ông, vấn đề kiểm định quan trọng như thế nào với chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?

TS Nghiêm Xuân Huy: Ở nước ta hiện nay có hơn 200 trường đại học, để kiểm soát chất lượng, tránh tình trạng “trường ma” không có giảng viên, không có cơ sở vật chất vẫn cấp bằng, chỉ có cách kiểm định thường xuyên, nghiêm túc. Để kiểm định chất lượng giáo dục đại học phải thông qua kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định chỉ những trường nào được tổ chức kiểm định có uy tín mới được công nhận về bằng cấp. Luật Giáo dục đại học đã có quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, nếu trường đại học không đảm bảo chất lượng sẽ tạm dừng tuyển sinh hoặc thậm chí giải thể. Hiện nay, Việt Nam có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo đục đại học. Theo kế hoạch mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, tới năm 2020, 100% trường đại học phải tối thiểu được kiểm định chất lượng lần thứ nhất, ít nhất 10% các chương trình đào tạo phải được kiểm định hoặc đánh giá chất lượng. Kết quả kiểm định sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để quyết định “số phận” của nhiều trường đại học, nhiều ngành đào tạo.     

Việc kiểm định không chỉ để công nhận chất lượng đào tạo của trường đại học mà quan trọng hơn là để giúp các trường đại học cải tiến chất lượng. Giáo dục đại học tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước, cho nên Nhà nước phải kiểm soát chất lượng đầu ra. Với xu hướng tự chủ đại học hiện nay, trường đại học có nhiều quyền chủ động, nhưng không phải muốn làm gì thì làm mà phải đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội. Điều quan trọng là trường đại học có dựa vào kết quả kiểm định để có các bước cải tiến chất lượng giáo dục hay là chỉ cần chứng chỉ để “an tâm”. Thật ra, nếu các trường đại học thực hành công tác đảm bảo chất lượng bên trong thật tốt thì khi đó kiểm định bên ngoài, dù có thường xuyên, cũng không đáng ngại. 

Hiện nay, viện đang hỗ trợ một số trường đại học xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong theo định hướng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng trường đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Quan trọng là, dưới “áp lực” kiểm định bên ngoài, các trường cần xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong một cách căn cơ, bài bản để thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

PV: Với nhiệm vụ nghiên cứu ĐBCLGD, ông có thể đưa ra một vài phương pháp hỗ trợ giảng dạy để các trường đại học tham khảo?

TS Nghiêm Xuân Huy: Xu hướng hiện nay là phải tăng tính chủ động của người học để người học có thể học tập suốt đời. Đòi hỏi chương trình đào tạo cần thay đổi theo hướng cá thể hóa, được thiết kế nhằm thỏa mãn các mục tiêu học tập khác nhau của người học. Muốn vậy phải có nền tảng công nghệ tốt hỗ trợ như: Bài giảng điện tử, số hóa tài liệu, công nghệ thí nghiệm ảo… Đồng thời, đội ngũ giảng viên cần được trang bị những phương pháp giảng dạy mới, những kỹ năng tổ chức giảng dạy mới, phù hợp với triết lý giáo dục cá thể hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)