Cô giáo Nguyễn Thị Quyên (Trường THCS Liên Hà) cho biết: "Chiếc máy được cô và trò đặt tên là “Máy sát khuẩn, sấy khô tự động”. Máy có tác dụng xịt xà phòng sát khuẩn và sau đó sấy khô tay, bảo đảm người sử dụng luôn có đôi tay sạch sẽ, khô ráo".

Điều thú vị là nguyên vật liệu để làm nên chiếc máy phần lớn được tận dụng từ các thiết bị điện tử cũ, dễ kiếm trong các gia đình. Bơm xà phòng được tận dụng từ cây nóng lạnh cũ, rơ-le tự ngắt lấy từ ô tô đồ chơi, IC lấy từ ti vi cũ, mắt hồng ngoại trong điều khiển ti vi, máy sấy tóc cũ... Phần thân máy cũng khá đơn giản với các tấm gỗ mỏng lắp trên khung sắt, chia thành hai ngăn riêng biệt. Xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) vốn là làng nghề làm gỗ nên những tấm gỗ thừa rất dễ kiếm. Bình đựng xà phòng dễ dàng tháo lắp để thêm dung dịch khi hết nên có thể sử dụng trong thời gian dài.

Cô Nguyễn Thị Quyên cùng học trò Nguyễn Mai Linh, Nguyễn Đức Anh đã sáng chế ra máy sát khuẩn tay tự động.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nguyên lý hoạt động của máy dựa theo các kiến thức vật lý trong bài sơ đồ mạch điện mà học sinh được học ở lớp 7. Với sự hướng dẫn của cô Quyên, hai học sinh Nguyễn Đức Anh (Lớp 9A) và Nguyễn Mai Linh (Lớp 8A) đã đưa những kiến thức từ sách vận dụng trong thực tế.

Khi muốn sát khuẩn tay, người dùng chỉ cần đưa tay vào dưới máy, cảm biến hồng ngoại sẽ tự động xịt xà phòng với lượng vừa đủ vào tay. Một đầu ống có van một chiều giúp ngăn nhỏ giọt xà phòng chống lãng phí và gây bẩn cho máy. Sau khi sát khuẩn tay xong, người dùng sẽ đưa tay sang ngăn bên cạnh để được máy sấy khô tự động.

Theo cô Quyên, ý tưởng sáng tạo máy rửa tay và sấy khô tay tự động của cô và trò bắt nguồn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi các học sinh tới trường, yêu cầu phải thực hiện 5K, trong đó có sát khuẩn tay rất quan trọng. Thêm nữa, sau khi rửa mà tay không được làm khô thì bàn tay ẩm có thể làm lây lan vi khuẩn gấp nhiều lần. Vì thế, cô trò hy vọng chiếc máy có thể giúp mọi người có thói quen thường xuyên rửa tay với nước sạch cùng xà phòng và hơn nữa là làm khô tay sau khi rửa.

Từ lúc có ý tưởng tới khi hình thành sản phẩm, cô trò mất khoảng gần một tháng. Chiếc máy đã được thầy trò Trường THCS Liên Hà nhiệt tình đón nhận và sử dụng rộng rãi tại các lớp học. Máy không sử dụng giấy hoặc khăn lau tay, không sản sinh ra khí thải nên giúp bảo vệ môi trường.

Cô Quyên và các học sinh mong sáng kiến này có thể được áp dụng trong nhiều gia đình, trường học, nơi công cộng để nâng cao ý thức người dân trong việc vệ sinh đôi tay sạch sẽ. Do được làm từ vật liệu tái chế nên giá thành máy khá rẻ, chỉ 500.000 đồng. Ngay cả khi linh kiện được mua mới thì máy cũng chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng.

HOÀNG LAN