Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi đến giờ vẫn chưa thể xác định được ngày đến trường. Trước bộn bề khó khăn, có trường lên kế hoạch bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến, cũng có nơi đã sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học, còn phụ huynh thì thấp thỏm chờ đợi.

 Học sinh chuẩn bị vào lớp 1 được bố mẹ cho tiếp cận, làm quen với hình thức học online.

Khó có thể khai giảng đúng kế hoạch

 Thời điểm này, thay vì rộn ràng chuẩn bị cho ngày khai giảng như mọi năm, nhiều gia đình, nhất là phụ huynh những học sinh đầu cấp đang đứng ngồi không yên với hàng loạt lo lắng liệu con mình có được nhận vào học hay không, được xếp lớp thế nào, việc học sẽ tiếp tục ra sao. Chị Đặng Thanh Huyền, phụ huynh vừa đăng ký tuyển sinh lớp 1 cho con vào Trường Tiểu học Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhà chị “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên chưa chuẩn bị được gì cho con. Gia đình khá lo lắng vì năm đầu tiên con đi học, hồ sơ nộp rồi nhưng chưa biết có được nhận vào hay không. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, gia đình cũng chưa biết năm nay con học sách giáo khoa (SGK) theo bộ nào để mua về xem trước. “Nhà trường chưa có thông báo nào về kế hoạch năm học nên gia đình chỉ biết chờ. Chuẩn bị tinh thần con sẽ học online, gia đình tìm các clip hướng dẫn học chữ để cháu làm quen và có ý thức hơn với hình thức học này”, chị Huyền chia sẻ.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang chuẩn bị cơ sở vật chất đón học sinh quay lại trường.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, nhiều khả năng kế hoạch năm học mới 2021-2022 sẽ bị lùi lại. Dù chưa có mốc thời gian cụ thể nhưng nhiều trường vẫn gấp rút chuẩn bị với bộn bề mối lo trước thềm năm học mới như: Chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển sinh, phân môn, bồi dưỡng giáo viên, triển khai SGK theo chương trình mới. Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) cho biết: "Dù trong thời gian giãn cách nhưng mọi hoạt động sư phạm vẫn diễn ra trực tuyến. Về cơ sở vật chất, nhà trường phải đợi hết thời gian giãn cách mới thực hiện được. Trong khi chờ đợi văn bản chỉ đạo từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trường đã xây dựng kế hoạch học trực tuyến trong tình huống còn giãn cách lâu dài".

Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng đang tính toán nhiều phương án để tham mưu với lãnh đạo UBND thành phố có thể áp dụng thời gian nhập học, tổ chức học trực tuyến hay trực tiếp tùy tình hình, tùy từng bậc học. Theo thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 4, chỉ riêng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới có thể đến tháng 9 vẫn chưa xong do nhiều nơi được trưng dụng làm điểm tiêm vaccine, nên thời gian tựu trường vào ngày 23-8 khó thành hiện thực. Theo kinh nghiệm từ năm học 2020-2021, TP Hồ Chí Minh đến tháng 7 mới kết thúc năm học, do đó có thể dời thời gian nhập học đến tháng 10 đối với bậc tiểu học.

Ưu tiên học sinh đầu cấp

 Hiện nay, dù đã có kế hoạch tựu trường hay chưa có kế hoạch cụ thể, các trường đều hướng tới không để lùi quá trễ năm học mới và sẽ tạo điều kiện ưu tiên, giải quyết những khó khăn, bất cập với những học sinh đầu cấp.

Nhận định có khả năng học sinh lớp 6 sẽ phải nhận thầy, nhận lớp theo hình thức trực tuyến, cô Đào Thị Hồng Hạnh cho biết: “Chưa bao giờ việc tuyển sinh lớp 6 được ưu tiên đặc biệt như hiện nay. Toàn bộ hoạt động như nộp hồ sơ, hộ khẩu, bản sao khai sinh và đăng ký được tiến hành trực tuyến. Lần đầu tiên việc tuyển sinh được thực hiện khi chưa có học bạ, do thời điểm đó học sinh khối lớp 5 chưa thi xong. Sau khi có học bạ, các trường tiểu học sẽ lọc và chuyển theo đường bưu điện đến trường THCS theo hồ sơ của thí sinh. Như vậy, học sinh nếu đã hoàn thành và đạt điều kiện của chương trình tiểu học thì đương nhiên được vào THCS. Phụ huynh không nên lo lắng. Khi có mốc thời gian cụ thể, nhà trường sẽ chủ động thông báo”.

Tại Vĩnh Long, tính đến ngày 10-8, 138 cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch của địa phương. Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Chủ động trước tình hình, nhiều hoạt động chuyển sang trực tuyến. Với phương châm đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết, thời gian học của học sinh được chia thành 3 đợt: Đợt 1 cho khối 9 và 12, bắt đầu học từ ngày 6-9; đợt 2 cho khối 6, 7, 8, 10, 11 vào học từ ngày 13-9 và đợt 3 cho học sinh mầm non, tiểu học vào học từ ngày 20-9. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng xây dựng phương án, kịch bản tổ chức giảng dạy từ xa khi học sinh không thể đến trường do dịch.

Khác với vài tháng trước đó, tình hình dịch ở Bắc Giang đã được kiểm soát tốt. Các trường trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị cho ngày khai giảng sẽ diễn ra vào ngày 5-9 tới. Cô Hà Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang cho biết, bên cạnh các biện pháp phòng dịch, trường kích hoạt, duy trì thực hiện cập nhật ứng dụng “An toàn Covid-19” vào thứ năm hằng tuần nhằm cập nhật khai báo; duy trì chốt kiểm dịch điện tử bằng QR Code để quản lý các hoạt động người vào ra trường học; cập nhật khai báo y tế trên thiết bị di động một lần/tuần... Sáng 9-8, giáo viên đã được huy động tới trường thực hiện công tác khử khuẩn, lau dọn và chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học vào ngày 1-9 tới và hoạt động học tập sẽ chính thức diễn ra vào ngày 6-9.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ