Bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học 2019-2020

Trong kỳ nghỉ hè, các nhà trường trên cả nước đã tích cực tập trung tu sửa, củng cố CSVC, trường lớp bảo đảm tốt nhất mọi điều kiện cho năm học mới. Có mặt tại Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) vào dịp cuối tháng 8, chúng tôi chứng kiến không khí gấp rút hoàn thiện mọi công đoạn cuối cùng việc tu sửa, củng cố CSVC. Hệ thống phòng học được sơn sửa khang trang, các công trình nhà vệ sinh được sửa chữa, thay mới trang thiết bị, hàng rào quanh trường được bổ sung, củng cố. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cùng với chuẩn bị mọi mặt cho năm học mới, chúng tôi đã tu sửa hệ thống trường lớp sẵn sàng đón học sinh. Hiện, nhà trường có 20 phòng học, gần 10 phòng chức năng bảo đảm phục vụ các yêu cầu của hoạt động tổ chức dạy học. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị CSVC, trang thiết bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho năm học mới”.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên đã làm công tác chuẩn bị khá chu đáo về CSVC, hệ thống trường lớp. Hiện, toàn tỉnh có gần 700 cơ sở giáo dục, trong đó có 680 trường mầm non và phổ thông. Mạng lưới trường lớp các cấp học đều được củng cố và phát triển rộng trên các địa bàn dân cư, đáp ứng yêu cầu dạy học. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch để hình thành các trường phổ thông liên cấp tạo thuận lợi cho dạy học cũng được tiến hành. Thạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Sở GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương làm tốt công tác rà soát, nghiên cứu, từng bước sắp xếp, tổ chức lại những nơi có đủ điều kiện để hình thành trường phổ thông nhiều cấp học, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương".

Học sinh Trường THCS Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) được học tập với các thiết bị thực hành hiện đại. Ảnh: TUẤN HUY

Ở một số địa phương chịu thiệt hại do mưa lũ ngay trước thềm năm học mới, mọi công tác khắc phục hậu quả, bảo đảm cơ sở trường lớp cho năm học mới cũng nhanh chóng được hoàn tất. Tại một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa như: Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước... số phòng học bị mưa lũ tàn phá đã nhanh chóng được tu sửa, khắc phục. Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa: Trước khi bước vào năm học 2019-2020, một số huyện của tỉnh bị thiệt hại nặng nề về cơ sở trường lớp do mưa lũ. Để bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường kịp khai giảng năm học mới, địa phương đã huy động các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả, dọn dẹp bùn đất trong khuôn viên nhà trường, phòng học. Trong điều kiện hiện tại, một số phòng học sẽ được bố trí học 2 ca/ngày để bảo đảm tiến độ chương trình.

Ngay trong buổi làm việc tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa trước thềm khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị CSVC và các điều kiện cho năm học mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương cần quan tâm, tập trung đầu tư CSVC cho các nhà trường, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Tạo tiền đề triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới

Năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề để thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, chương trình sẽ được triển khai từ lớp 1. Công tác chuẩn bị CSVC ngay trong năm học này được đặc biệt quan tâm. Những khó khăn về phòng học ở các khu đô thị, thiếu thốn trang thiết bị dạy học ở các trường lớp, vùng sâu, vùng xa đối với bậc học tiểu học được ngành giáo dục quyết tâm khắc phục ngay trong năm học này để bảo đảm điều kiện cho chương trình GDPT mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục CSVC, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chương trình GDPT mới sẽ triển khai từ năm học 2020-2021 ở lớp 1. Để CSVC và thiết bị trường học bảo đảm phục vụ chương trình, ngành giáo dục đã có các bước chuẩn bị từ trước. Năm học này cần hoàn thành mọi khâu với các điều kiện cho năm học đầu tiên triển khai chương trình mới (2020-2021), trong đó ưu tiên mua sắm, bổ sung thiết bị cho lớp 1”.

Ngành GD&ĐT TP Hà Nội đã xác định: Chuẩn bị cho chương trình GDPT mới cần phải bảo đảm CSVC, trường lớp đầy đủ. Hiện nay, do dân số tăng cơ học nhanh ở một số quận, huyện có các khu công nghiệp (hằng năm tăng 50-70 nghìn em), nên tình trạng thiếu trường, lớp học vẫn xảy ra. Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội: Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ quyết tâm khắc phục vấn đề này từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

Đối với tỉnh Đắc Nông, trong hai năm tới, tỉnh sẽ thực hiện giảm 33 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT. Chủ trương này nhằm tạo điều kiện tập trung sĩ số học sinh, tập trung CSVC và trang thiết bị cho dạy học, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả. Dồn dịch trường lớp, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục cũng là giải pháp đang được nhiều địa phương tiến hành ngay trong năm học này nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư CSVC, trang thiết bị cho hoạt động dạy học theo chương trình GDPT mới bảo đảm hiệu quả.

Theo ông Phạm Hùng Anh: Bộ GD&ĐT đã dự báo quy mô phát triển giáo dục, hướng dẫn các địa phương tổ chức quy hoạch đất dành cho giáo dục, đồng thời công khai đất quy hoạch tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường, lớp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ của khối mầm non, phổ thông tại từng địa phương. Khi thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp lại trường lớp sẽ tạo điều kiện để các địa phương tập trung đầu tư có trọng điểm cho giáo dục, đáp ứng điều kiện triển khai chương trình GDPT mới hiệu quả trong năm học 2020-2021.

Bài và ảnh: MINH ANH