Với chức năng đào tạo, tham gia vào phát triển nguồn nhân lực cho Viettel và bước đầu cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, Học viện Viettel đã có nhiều giải pháp đột phá mang đậm “chất lính” trong tổ chức đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp công nghệ toàn cầu.

Từ đào tạo tập trung và trực tuyến...

Tọa lạc tại Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, với cơ ngơi hơn 18ha, kiến trúc độc đáo, có nhiều cây xanh, hồ nước, nhìn bề ngoài Học viện Viettel như một khu nghỉ dưỡng. Học viện nằm trong tốp 12 cơ sở đào tạo đẹp nhất thế giới do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới bình chọn. Nhưng điểm nổi bật ở đây lại là “chất lính” trong đào tạo nhân lực cho Viettel.

Viettel xác định chỉ có sáng tạo, sự khác biệt mới có cơ hội cạnh tranh, phát triển trước các đối thủ lớn. Sau hai năm bước chân vào thị trường viễn thông di động, năm 2006 Viettel thành lập Trung tâm Đào tạo (tiền thân của Học viện Viettel) nhằm đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân sự cốt cán, đưa “hạ tầng mạng lưới tràn ngập lãnh thổ và vươn ra quốc tế” với khát vọng sớm đưa Viettel trở thành doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Việt Nam.

 Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng trao Chứng chỉ cho học viên Khóa đào tạo cán bộ nguồn Phó tổng giám đốc thị trường nước ngoài, năm 2021. Ảnh: XUÂN PHƯỢNG

Từ thực tiễn, Viettel đã đúc kết một trong 8 giá trị văn hóa cốt lõi là “Truyền thống và cách làm người lính”. Đó là đoàn kết sáng tạo, điều lệnh, kỷ luật, kỷ cương, tác phong quân sự, làm nhanh, trên dưới đồng lòng; đẩy mạnh công tác dân vận, xây dựng địa bàn, đến các xã phường thôn bản. Viettel có “quy tắc 40-30-30”, làm tốt việc đã làm mới đạt 40%, viết thành tài liệu tại sao làm được như vậy đạt 30%, đào tạo dạy lại được cho người khác hoàn thành 30% còn lại. Do đó, đào tạo phương pháp, cách làm, cách tổ chức hạ tầng kỹ thuật và chiến lược, chiến thuật kinh doanh luôn là những vấn đề cấp thiết, xuyên suốt.

 Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel đào tạo trực tuyến cho các điểm cầu.

Tuy nhiên, làm thế nào để tổ chức lớp cho hơn 50.000 cán bộ, nhân viên (CB, NV) Viettel trên toàn cầu, làm thế nào để tất cả nhận thức được việc học là quan trọng? Thạc sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo cán bộ quản lý Học viện Viettel cho biết: “Với chiến lược phát triển nhanh và bền vững của tập đoàn, ngay từ năm 2010, học viện đã kết hợp đào tạo tập trung và trực tuyến qua E-learning. Phương thức này giải quyết được vấn đề lớn, số lượng người học đông và phân tán. Mỗi CB, NV có tài khoản học tập riêng tại hệ thống phần mềm đào tạo Viettel, tự học và được kiểm tra đánh giá”. Hằng năm, mỗi CB, NV phải tham gia học tập ít nhất 42 giờ, mỗi cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung phải tham gia giảng dạy ít nhất 24 giờ cho cấp dưới. Những chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thói quen học tập, văn hóa học tập của tổ chức.

...Đến mô hình “tổ chức học tập”

Trung tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel cho biết: “Những năm qua, học viện đã xây dựng và áp dụng mô hình “tổ chức học tập” với 4 nhân tố: Vai trò người lãnh đạo, chỉ huy; hệ thống quy trình, quy định, quy chế đào tạo; nội dung, chương trình đào tạo; ứng dụng chuyển đổi số”. Học viện Viettel đã và đang tích cực triển khai xây dựng kho tri thức đào tạo với hàng nghìn nội dung được số hóa theo định hướng “Vá-may đo-sản xuất đồng loạt”.

“Vá” là đào tạo, bổ sung những kiến thức, kỹ năng về quản lý, kỹ thuật, kinh doanh thiếu hụt, do sự thay đổi, phát triển của thị trường. “May đo” là những kiến thức, kỹ năng sâu hơn cần đào tạo bổ sung cho từng nhóm đối tượng đặc thù. Còn “sản xuất đồng loạt” là những nội dung mang tính phổ cập, triển khai đào tạo đồng loạt, như văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng căn bản, kiến thức quân sự, chuyển dịch chiến lược, chuyển đổi số.  

 Một góc Học viện Viettel.

Ngoài tổ chức các lớp đào tạo tập trung, tạo nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng, Học viện còn triển khai nhiều phương thức đào tạo, hội thảo tập trung kết hợp trực tuyến (online) trong và ngoài nước. Từ năm 2019, mô hình “tổ chức học tập” đã được chia sẻ tại hội thảo với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài nước. Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, mô hình "tổ chức học tập" không chỉ có ý nghĩa trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Viettel, mà còn có thể áp dụng cho các doanh nghiệp khác. Việc nhân rộng mô hình sẽ giúp công tác đào tạo nhân sự của các doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn. Đại học Ngoại thương đã đồng hành với Học viện Viettel để xây dựng, chia sẻ, phát triển mô hình này.

Hiện thực hóa mô hình, học viện đã đưa ra nhiều công cụ chuyển đổi số như: Kế hoạch học tập cá nhân (ILP); Công cụ quản lý sau đào tạo (ATM)... Đặc biệt là mô hình “By Day Learning”-duy trì học tập hằng ngày. Bằng việc phát triển những ứng dụng học tập trên không gian mạng, CB, NV kết nối qua điện thoại, máy tính, với các bài học đa dạng, được số hóa ngắn dưới 10 phút. Qua đó, giúp nhà quản lý, cá nhân chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi và kiểm soát được quá trình học tập. Mô hình này đặc biệt phù hợp với đối tượng người đang đi làm, nhất là trong điều kiện khó tổ chức học tập trung do dịch bệnh.

Ngày nay, một doanh nghiệp dù sở hữu nguồn nhân sự xuất sắc cũng vẫn luôn phải “Học suốt đời-học kịp thời” để chủ động phát triển “nguồn vốn” nhân lực. Chuyển đổi số trong đào tạo chính là phương thức giúp người học học tập mọi lúc, mọi nơi, hướng tới xây dựng “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập”, “xã hội học tập” .

Bài và ảnh: HÀ PHƯƠNG