Bài thi được chấm 2 vòng độc lập
Theo kết quả chấm thi ban đầu, điểm thi THPT quốc gia năm nay tại Hội đồng thi Hưng Yên thể hiện sự phân hóa tốt, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên cho biết.
Kỳ thi THPT năm nay, Hưng Yên có 29 điểm thi với số lượng đăng ký dự thi theo tổ hợp các bài thi, môn thi: Ngữ văn (12.706), Toán (12.902), Vật lý (5.331), Hóa học (5.335), Sinh học (5.242), Tiếng Anh (11.384), Tiếng Trung (1), Tiếng Đức (1), Tiếng Nhật (5), Lịch sử (9.300), Địa lý (9.159), Giáo dục công dân (7.891). Công tác tổ chức thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Ngay khi kết thúc 3 ngày thi, Hội đồng thi Hưng Yên tổ chức làm phách theo phương án 2 vòng độc lập. Hưng Yên cũng đã tổ chức khai mạc Ban chấm thi, phổ biến, quán triệt kỹ các quy định về chấm thi, kỹ thuật chấm thi, cách thức tổ chức chấm thi; quy định về thanh tra, an ninh, giờ giấc làm việc…
 |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên.
|
Ông Nguyễn Văn Phê cho biết, Ban chấm thi đã chia thành 4 tổ chấm, chấm chéo, đảm bảo giáo viên không chấm bài học sinh trường mình. Theo đó, chấm bài tự luận gồm 4 trưởng môn, 4 phó trưởng môn và 88 cán bộ chấm thi; chấm trắc nghiệm gồm 1 tổ trưởng 10 thành viên, huy động 3 máy quét; chấm kiểm tra gồm 1 tổ trưởng, 8 thành viên, chấm khoảng 6,8% số bài; 2 máy nhập điểm theo số phách được huy động.
Với sự thống nhất cao nên độ vênh điểm bài thi Ngữ văn giữa 2 giám khảo rất thấp, nếu có chủ yếu ở mức 0,25 điểm. Dự kiến thời gian chấm thi đến ngày 5-7-2018.
Trong quá trình chấm thi, các tổ chấm đã thống nhất biểu điểm theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, thống nhất phương án chấm nên độ vênh điểm không nhiều và thống nhất điểm dễ dàng, ông Nguyễn Văn Phê cho biết thêm.
Riêng với môn Ngữ văn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên thông tin qua ghi nhận điểm ban đầu cho thấy độ phân hóa điểm thi tốt.
Đánh giá tích cực về công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khi đến kiểm tra công tác thi tại Hưng Yên cũng lưu ý những quy định nhằm bảo đảm tính bảo mật của bài thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh quy trình chấm thi, bài thi phải được chấm 2 vòng độc lập, được 2 giám khảo chấm ở 2 tổ chấm khác nhau; lưu ý tiến độ chấm thi đảm bảo đúng theo quy định.
Đề mở, cách chấm thi mở
Tại Hội đồng thi tỉnh Phú Thọ, Tổ chấm thi môn Ngữ văn có 99 giám khảo chấm hơn 13.000 bài thi. Đến thời điểm này gần 80% bài thi đã được chấm và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 8-7, trước thời gian quy định 3 ngày. Theo thống kê sơ bộ, đã có những bài thi đạt 9 và hơn 9 điểm, phổ điểm chủ yếu là 6-8, khoảng gần 27% bài dưới trung bình, 1 vài bài bị điểm liệt. Qua quá trình chấm nhiều giám thị chia sẻ với đề mở nên các em đã đưa ra những quan điểm khác nhau với lý lẽ khác nhau đòi hỏi cách chấm của giám thị phải rất linh hoạt.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: Hội đồng thi chỉ đạo nghiêm ngặt theo các quy trình của Bộ GD-ĐT, tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi là đều có sự giám sát chặt chẽ, không chỉ riêng đối với can bộ của địa phương mà có cả sự tham gia là cán bộ giảng viên của các trường đại học, đặc biệt là sự có mặt của Thanh tra Bộ GD-ĐT và lực lượng công an PA83 giám sát. Đối với việc chấm thi bài thi môn Ngữ văn chúng tôi chỉ đạo chấm chặt chẽ nghiêm túc với giám khảo độc lập, bên cạnh đó còn có tổ chấm kiểm tra, rút bài ngẫu nhiên nhất là những bài có chênh điểm lớn giữa 2 giám khảo để đảm bảo khách quan.
 |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi với thành viên Hội đồng chấm thi.
|
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên trường THPT Từ Đà, Phù Ninh, Phú Thọ chia sẻ: Đề mở, đáp án mở, nên cách chấm thi cũng phải mở, làm thế nào để đánh giá đúng nhất năng lực của học trò. Trong quá trình chấm thi, chúng tôi thấy đúng là các em đã bộc lộ những quan điểm khác nhau và chúng tôi trân trọng những quan điểm đó của các em, đặc biệt là các em có những lý giải thuyết phục quan điểm của mình, chúng tôi cũng chấp nhận và đánh giá cho điểm các em.
Thầy Trần Kim Chung, Tổ trưởng tổ xử lý bài thi Tự luận tại Hội đồng thi Phú Thọ cho biết: Giám thị số 1 và số 2 được bố trí khoa học, các giám thị chấm thi độc lập với nhau. Xong lượt chấm thứ nhất và thứ hai, cán bộ chấm thi sẽ thống nhất với nhau và ngồi độc lập, trường hợp có sự chênh lệch phải sử dụng biên bản để thống nhất. Trong quá trình chấm thi thẩm định rất kỹ, chênh lệch là không lớn.
Đến thời điểm này, tổ chấm môn trắc nghiệm của Phú Thọ đã hoàn thành pha 3 là xử lý lỗi bài thi, ngay sau đó dữ liệu được xuất ra đĩa CD và chuyển về Bộ GD-ĐT trong ngày mùng 4-7. Sau khi có phản hồi và đáp án của Bộ chuyển lại, dự kiến ngày 5-7 việc chấm thi sẽ bắt đầu. Đặc biệt mỗi quy trình xử lý bài thi đều được thực hiện dưới sự giám sát của nhiều lực lượng thanh tra, ông Lê Nam Phong, Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi Phú Thọ cho biết.
“Mỗi 1 máy xử lý bài thi thi chúng tôi đều bố trí 1 đồng chí của trường đại học phối hợp với 1 thầy của tỉnh. Mỗi máy lại có sự giám sát của Thanh tra Bộ và Sở GD-ĐT, 1 đồng chí công an PA83 của tỉnh. Như vậy đảm bảo khi chúng tôi xử lý thì các vật dụng mà chúng tôi mang vào không có gì khác ngoài máy được trang bị, bút màu đỏ dùng để ký và các giấy niêm phong, nên việc tác động vào bài thi của thí sinh là không thể.
Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT sẽ phải gửi kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 về Bộ chậm nhất ngày 10-7. Cùng đó, hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 11-7. Các hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11-7. Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 17-7.
Bài, ảnh: KHÁNH HÀ - XUÂN TRUNG