Từng đi kiểm tra, giám sát việc tổ chức giảng dạy, học tập môn học Giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQPAN) cho sinh viên ở nhiều cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh một số kết quả bước đầu đạt được, chúng tôi cũng thấy còn nhiều vấn đề hạn chế, bất cập cần phải giải quyết thật rốt ráo thì mới có thể đưa môn học GDQPAN vào đúng vị trí, mục tiêu như luật định”. Đó là ý kiến của ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội khóa XIII, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
PV: Dưới góc độ của một Đại biểu Quốc hội từng tham gia làm Luật GDQPAN năm 2013, ông có suy nghĩ gì khi môn học GDQPAN được quy định là môn học chính khóa, nhưng thực tế lại chưa được quan tâm như các môn học khác trong chương trình giáo dục đại học?
Ông Lê Việt Trường: Luật GDQPAN mới ban hành được khoảng 3 năm. Thời gian đó chưa đủ để đánh giá toàn diện về việc kết quả triển khai tổ chức thực hiện luật này ra sao. Nhưng có một thực tế là còn nhiều nơi, nhiều người có trách nhiệm vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vị trí, mục tiêu của môn học GDQPAN. Bên cạnh đó, việc phổ biến tuyên truyền pháp luật về GDQPAN cho các đối tượng, trong đó có giảng viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng cũng chưa được làm thường xuyên, hiệu quả, thậm chí có một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, sinh viên vẫn xem nhẹ môn học này.
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) luyện tập chiến thuật. Ảnh: THIỆN VĂN
PV: Theo ông, để nâng cao chất lượng môn học GDQPAN, cần phải chú trọng quan tâm đến những vấn đề gì?
Ông Lê Việt Trường: Trước hết, tôi đề nghị các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thống nhất đánh giá tình hình thực hiện triển khai Luật GDQPAN cho các đối tượng sinh viên trong thời gian qua, từ đó sớm có biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc trong việc giảng dạy môn học này ở các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề.
Một giải pháp rất quan trọng mà tôi xin nhắc lại là phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên môn GDQPAN, trong đó cần phát huy thật tốt vai trò của đội ngũ sĩ quan biệt phái trong việc tham mưu và trực tiếp giúp các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm GDQPAN xây dựng nội dung chương trình và tổ chức thực hiện giảng dạy môn học GDQPAN theo kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Nói về giáo trình môn GDQPAN hiện nay, theo tôi giáo trình có nhiều nội dung còn mang tính hàn lâm, chưa thật phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi sinh viên. GDQPAN cho sinh viên không nên ôm đồm quá nhiều vấn đề, mà phải biết tinh giản chương trình nội dung đào tạo sao cho hợp lý, thiết thực, qua đó giúp sinh viên vừa nâng cao nhận thức, ý thức, tình cảm yêu nước, yêu chế độ, vừa có những kỹ năng quân sự cần thiết để sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Vì đây là môn học đặc thù nên trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ cần có kiến thức kỹ năng quân sự, mà cần phải có trình độ, năng lực sư phạm tốt. Các giảng viên phải cố gắng khơi gợi niềm đam mê, hứng thú cho các em, tránh truyền thụ kiến thức một chiều dễ nhàm chán, khô khan; nhưng cũng không được suy nghĩ đơn giản, hạ thấp vị trí, mục tiêu môn học GDQPAN, vì làm như vậy dẫn đến tình trạng sinh viên xem thường môn học này.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải đầu tư xây dựng, bảo đảm cơ sở vật chất, giảng đường, thao trường, bãi tập, học cụ… phục vụ huấn luyện sát thực tế. Đất nước ta chưa giàu, chưa thể sản xuất tên lửa, vũ khí lớn, nhưng cũng không nên để một bộ phận sinh viên hiện nay vẫn phải sử dụng những khẩu súng AK làm bằng composit rất dễ hỏng hóc, xuống cấp khi thực hành luyện tập bắn. Cũng không nên để một số trường đại học vẫn phải tận dụng sân chơi, khuôn viên nhỏ hẹp cho sinh viên luyện tập kỹ thuật, chiến thuật… Huấn luyện, rèn luyện kỹ năng quân sự cho các em mà không có thao trường sát thực tế địa hình, địa vật thì khó có thể nói bảo đảm chất lượng được.
PV: Đối với các Trung tâm GDQPAN, theo ông, cần phải làm gì để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức giảng dạy, quản lý sinh viên?
Ông Lê Việt Trường: Tôi rất mong các Trung tâm GDQPAN phải được xây dựng ngày càng quy củ về mọi mặt, nếu không được chuẩn 100% như đơn vị quân đội, thì cũng phải bảo đảm cố gắng sát thực tế gần như đơn vị quân đội để tạo điều kiện cho sinh viên hiểu hơn môi trường quân sự và những giá trị của môi trường đó có thể mang lại cho các em. Mặt khác, cần phải bảo đảm tính thống nhất của các trung tâm GDQPAN cả về hình thức, phương thức quản lý, giáo dục sinh viên; xây dựng quy chế thu chi tài chính hợp lý, minh bạch, công khai, tránh tình trạng mỗi nơi thu các loại phí, mức phí khác nhau như Báo Quân đội nhân dân đã đề cập.
PV: Với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông có đồng tình, ủng hộ với nhiều ý kiến đề xuất miễn học phí môn GDQPAN cho sinh viên không?
Ông Lê Việt Trường: Tôi hoàn toàn ủng hộ! Tôi xin nhắc lại lời TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XII: Phàm những gì liên quan đến quốc phòng-an ninh của đất nước thì Nhà nước phải chi. Thu phí ở đâu thì thu, nhưng đối với những người học tập, làm việc gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh thì không nên thu phí. Ví như lực lượng dân quân tự vệ khi đi huấn luyện tập trung thì Nhà nước còn phải bao cấp cả tiền ăn và trả tiền công lao động cơ mà. Vậy thì không nên thu học phí môn GDQPAN cho sinh viên là hợp lý. Vì việc miễn phí học môn này cũng là một cách Nhà nước nuôi dưỡng lòng yêu nước cho sinh viên.
Như đã biết, nước ta hiện nay vẫn còn 70% dân số làm nông nghiệp và sinh sống ở địa bàn nông thôn, miền núi. Đại đa số sinh viên hiện nay cũng xuất thân từ con em nông dân. Mà nói đến bà con nông dân thì phần lớn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng, việc miễn học phí môn học GDQPAN cho sinh viên cũng là một cách góp phần giảm bớt gánh nặng cho bà con nông dân, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Việt Trường cho biết thêm: Những vấn đề về GDQPAN cho sinh viên mà Báo Quân đội nhân dân phản ánh sẽ được Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo đồng chí Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa XIII. “Tôi cũng sẽ đề nghị với đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đưa vấn đề GDQPAN cho sinh viên là một trong những nội dung giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV tới”- ông Lê Việt Trường nói. |
THIỆN VĂN (thực hiện)