Tại sao doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi ra nước ngoài?

Theo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam ước đạt gần 2 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 0,1% so với thị trường thế giới là 1.803 tỷ USD. Do đó, cơ hội vươn ra thị trường thế giới, gặt hái nguồn ngoại tệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là rất lớn.

Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chinh phục thị trường nước ngoài là sứ mệnh giúp Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đất nước phát triển, có thứ hạng trên bản đồ công nghệ thế giới chính là làm rạng danh non sông. Đây là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số nói riêng.

leftcenterrightdel
Theo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam ước đạt gần 2 tỷ USD. 

Lý giải về việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đi ra thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: Đi ra nước ngoài là mang tri thức và công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi, để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đi ra nước ngoài cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những điều này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng việc chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi lẽ, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.

“Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ và nhấn mạnh, thế giới đã ghi nhận đóng góp của Viettel trong việc phát triển viễn thông nông thôn, xóa bỏ khoảng cách số ở nhiều nước, từ châu Á, châu Phi đến Mỹ La tinh. Tập đoàn Viettel đã làm được thiết bị mạng 5G, vũ khí công nghệ cao. VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ. FPT, CMC đi làm công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Nhật Bản, Mỹ.

Thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho CNTT, chuyển đổi số thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Cũng chính vì sự cạnh tranh ấy mà chúng ta có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ và khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài. Làm công nghệ thì không có chỗ cho sản phẩm trung bình nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như chúng ta. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn  hiện đại chúng hoá công nghệ số, khi tất cả các nước từ giầu đến nghèo đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân và toàn diện.

Bộ TT&TT giúp các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài

Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

Là một hoạt động nằm trong chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. 

Tổ tư vấn sẽ phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Cùng với đó phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, truyền thông, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng ra thị trường quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Việc thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp số đi ra nước ngoài sẽ là chỗ dựa, cầu nối sát cánh cùng các doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đặt chân đến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số, trong tổng số 8 tỷ người chưa được kết nối internet. Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tiến trình này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, để cùng mang tri thức và công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới.

Bài, ảnh: VĂN PHONG