Bộ đội giúp các em tiếp tục việc học

Năm nay, cháu Điểu Thản, con trai của anh Điểu Thông, dân tộc S’tiêng, ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước vào lớp 6. Do dịch bệnh nên Điểu Thản phải học trực tuyến. Thế nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh Điểu Thông định cho cháu tạm nghỉ học, chờ hết dịch sẽ học hoặc đến năm sau mới đi học lại vì không có phương tiện học trực tuyến. Biết khó khăn của cháu Điểu Thản, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 (Quân khu 7) đã hỗ trợ cháu chiếc điện thoại thông minh và sim 4G, sách vở để học tập. Đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ đến tận gia đình để hỗ trợ, hướng dẫn cháu. Nhờ vậy, Điểu Thản có điều kiện học tập trực tuyến, còn anh Điểu Thông cũng bỏ ý định cho con tạm nghỉ học. Đây là một trong số nhiều học sinh được cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 hỗ trợ học tập trực tuyến.

Chúng tôi được biết, trong kế hoạch thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 còn hỗ trợ hơn 5.000 cuốn vở, 100 bộ sách giáo khoa và nhiều vật chất, thiết bị học tập cho 14 điểm trường trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Tại huyện Lộc Ninh và huyện Hớn Quản, thực hiện Chương trình “Cùng em học trực tuyến”, các tổ chức đoàn địa phương phối hợp với các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 100 điện thoại thông minh, sim 4G cho học sinh DTTS trên địa bàn.

 Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) tặng vật chất, thiết bị học tập cho học sinh nghèo Trường THCS Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.


Huy động nguồn lực để hỗ trợ tối đa cho học sinh


Tỉnh Bình Phước là địa phương còn nhiều khó khăn, việc dạy học trực tuyến ở những vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế do thiếu thiết bị học tập. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ học sinh DTTS chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình nên đã phát sinh tư tưởng cho con nghỉ học hoặc lùi lại hết dịch mới học... Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục tỉnh Bình Phước, bước vào năm học 2021-2022, địa phương có khoảng 20% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, trong đó tập trung tại các huyện có đông người DTTS, như: Bù Gia Mập có tới 70%, Lộc Ninh hơn 63%, Bù Đăng 62%...

Vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo nhiều biện pháp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến, nhất là học sinh DTTS. Bên cạnh vận động các nhà hảo tâm, tỉnh Bình Phước triển khai phương án hỗ trợ một phần chi phí để kết nối đường truyền intener cho các địa phương, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12), học sinh vùng đồng bào DTTS. Địa phương tạo điều kiện cho học sinh sử dụng intener, máy tính ở các trung tâm học tập cộng đồng. Tỉnh cũng phối hợp với các nhà mạng mở rộng dung lượng, ưu tiên trường học, trung tâm học tập cộng đồng, thư viện cấp xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Địa phương có chính sách hỗ trợ, ưu đãi chi phí kết nối internet mới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Từ cuối tháng 8-2021 đến nay, Bình Phước đã huy động hơn 41.000 thiết bị học trực tuyến cho học sinh nghèo, bảo đảm đủ điều kiện học tập.

Trước đó, các nhà trường, cơ sở giáo dục ở tỉnh Bình Phước đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công nghệ, kỹ năng dạy học trực tuyến. Ngành giáo dục hướng dẫn xây dựng giờ học, tiết học trực tuyến phù hợp với tâm sinh lý của học sinh; hạn chế các tiết học kéo dài như học trực tiếp trên lớp và tăng thời gian nghỉ giữa các tiết học để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Các thầy, cô giáo cũng quan tâm lựa chọn nội dung cốt lõi để giảng dạy và giao nhiệm vụ học tập tại nhà cho học sinh phù hợp, không tạo áp lực trong học tập.

Cô giáo Nguyễn Thị Dương, Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, chia sẻ: Chúng tôi chú ý vừa truyền đạt kiến thức, vừa theo dõi hướng dẫn các em ứng phó với trường hợp mất sóng. Sau mỗi buổi học, chúng tôi chủ động hệ thống lại bài giảng và hướng dẫn thêm bài tập cho học sinh qua nhóm lớp trên Zalo, Facebook hoặc in, mang bài tập đến tận nhà cho từng em, nhất là những em học còn hạn chế, qua đó giúp các em không bị hổng kiến thức.

Theo đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, huy động nhiều nguồn lực bảo đảm học tập trực tuyến cho học sinh không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn kịp thời vận động, ngăn ngừa học sinh bỏ học tại nhiều địa bàn. Thực hiện tốt việc học tập trực tuyến là dịp để học sinh và thầy, cô giáo cùng nâng cao kiến thức về vận dụng công nghệ vào học tập, cuộc sống cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN - PHƯƠNG CHINH