Theo số liệu khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết quả phân tích qua 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy: Trong tổng số hơn 8.000 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ giới chiếm 24%, còn lại 7% là trung tính về giới. Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao hơn, sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Yếu tố đầu tiên của việc phân biệt giới tính có thể thấy rõ ở nghề nghiệp. Nữ giới thường gắn với các công việc như giáo viên, nhân viên ngân hàng, hoặc các công việc mang tính chất hướng nội, như nội trợ…; trong khi đó, nhân vật nam giới lại đương nhiên mặc định ở các ngành nghề như bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, bộ đội, công an… và mang tính hướng ngoại, là trụ cột, có tiếng nói quyết định để nữ giới phải nghe theo.
Trò chuyện với nhiều học sinh về dự định nghề nghiệp sau này, chúng tôi đều nhận được các câu trả lời khá giống nhau: Với các em nữ mong muốn sẽ trở thành cô giáo, bác sĩ hoặc làm các công việc “tề gia nội trợ”; với các em nam thì muốn được trở thành kỹ sư, bộ đội, công an… Như vậy, chỉ xét về hình ảnh, nội dung trong chương trình SGK hiện hành, định kiến giới trong chương trình giáo dục gần như “đương nhiên”, khắc sâu trong nhận thức của các em, làm chậm tiến trình đạt BĐG thực chất.
Tại Hội thảo “Bảo đảm BĐG trong chương trình giáo dục phổ thông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Trần Kim Tự, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) thừa nhận: Trong SGK các cấp học, hình ảnh và nội dung không chỉ mất cân đối về tỷ lệ nhân vật nam - nữ, mà nội dung về giáo dục giới tính và giáo dục kỹ năng sống liên quan đến giới cũng chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức. Mặc dù từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT nhiều lần rà soát, điều chỉnh các nội dung về BĐG trong SGK. Tuy nhiên, việc rà soát chỉ thực hiện mỗi năm một cấp học nhất định, chưa có sự điều chỉnh tổng thể. Thực tế, SGK hiện hành chưa cập nhật kịp thời những thay đổi theo xu hướng tích cực về vai trò của giới.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, yếu tố dẫn đến tình trạng bất BĐG là do định kiến, quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ và nam giới đã ăn sâu bám rễ trong xã hội. Những “khuôn mẫu” về giới đó khó có thể thay đổi một sớm một chiều với rất nhiều giải pháp, trong đó giáo dục sớm ở nhà trường về BĐG là vấn đề rất quan trọng.
Về những định hướng BĐG trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất: Cần đưa nội dung này vào mục tiêu chung của chương trình tổng thể; tổ chức giáo dục giới và giới tính đúng cách cho trẻ theo độ tuổi, đặc biệt, phải đưa nội dung BĐG lồng ghép trong chương trình học các cấp cho phù hợp.
Trong kế hoạch hành động về BĐG của ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 đã xác định nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng, trong đó xác định: Bảo đảm các vấn đề về giới, BĐG được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, SGK giáo dục phổ thông mới, với 3 chỉ tiêu cụ thể, gồm: Nội dung, chương trình và SGK phổ thông mới được điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến về giới; ban soạn thảo, thẩm định chương trình và SGK phổ thông sử dụng tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và SGK; nội dung về giới tính, giới, BĐG, sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng, chống bạo lực học đường được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là ở các trường sư phạm.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Cải cách hệ thống SGK, loại bỏ hình ảnh, nội dung mang tính chất phân biệt, định kiến giới trong hệ thống SGK hiện hành. Các hình ảnh, biểu đồ minh họa nội dung SGK sẽ được thể hiện trung tính một cách hợp lý. Cùng với đó, cần giáo dục giới và giới tính đúng cách cho trẻ theo độ tuổi, đặc biệt, phải đưa nội dung BĐG lồng ghép trong chương trình các cấp; đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến chương trình, SGK; tăng cường vai trò của giáo viên trong việc chuyển tải kiến thức BĐG đến với học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện chương trình, SGK phổ thông. Đây là cơ hội để đưa vấn đề BĐG vào quá trình dạy và học, nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ. Trước hết, đội ngũ biên soạn SGK cần được trang bị và nắm chắc kiến thức về giới; coi việc nâng cao BĐG như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển. Thực hiện tốt những nội dung trên chính là góp phần thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực GD&ĐT”.
VÂN ANH