Nhưng bên cạnh đó còn có một bộ phận sinh viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng. Từ đây đòi hỏi các nhà trường và cả xã hội cần có những giải pháp tích cực để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp sinh viên nâng cao ý thức rèn đức, luyện tài, phấn đấu trở thành những chủ nhân ưu tú của đất nước. Trước khi viết bài này, một đồng nghiệp cao niên tâm sự: “Ngày xưa, thế hệ sinh viên chúng tôi khổ trăm bề, nào thiếu ăn, thiếu thông tin, nào "đói" sách vở... Giờ thấy nhiều sinh viên sướng thật, điện thoại dùng loại xịn nhất, quần áo tinh tươm, nhiều bạn thường xuyên la cà quán xá, cà phê, mắt dán vào Facebook... Không biết bây giờ sinh viên sống ra sao? Học tập thế nào nhỉ?”. Từ câu hỏi đó đã khơi gợi chúng tôi tìm hiểu đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên.
Say mê học tập
Chúng tôi có mặt tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào ngày đầu tuần, sau buổi chào cờ tập trung, không khí học tập trở nên sôi nổi trên các giảng đường. Bên này một lớp học đang giờ thảo luận, bên kia phòng studio các em đang sôi nổi trao đổi về cách sử dụng máy quay, đặt góc quay sao cho hiệu quả… Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Công tác chính trị, công tác sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: “Sinh viên bây giờ khá năng động. Hầu hết các em đều có ý thức tốt về việc học tập, rèn luyện của mình. Không chỉ học kiến thức trên giảng đường, các em còn biết vận dụng kiến thức vào các buổi thực hành ngoài giờ lên lớp. Nhiều nhóm sinh viên, câu lạc bộ được thành lập cũng đã thể hiện tốt vai trò trong việc định hướng nghề nghiệp và bổ trợ việc học tập cho các em”.
Hôm đến Trường Đại học Vinh (Nghệ An), chúng tôi thấy không khí học tập của sinh viên khá sôi nổi. Tại tầng 2 của khu giảng đường B, hơn 50 sinh viên đang chăm chú thực hiện bài thi “Ánh sáng soi đường” qua máy vi tính do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Khi được hỏi, sinh viên Nguyễn Hà Đông, Lớp K57 Kỹ thuật xây dựng, Khoa Xây dựng, chia sẻ: “Bên cạnh giờ học chính khóa, còn lại một buổi chúng em thường tham gia các hoạt động phong trào hay các hoạt động ngoại khóa. Chúng em thường xuyên tham gia những hoạt động này để bổ trợ cho học tập và phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, tìm hiểu về lịch sử truyền thống của dân tộc”.
Với mong muốn có thêm góc nhìn về đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên hiện nay, chúng tôi đã tiến hành một khảo sát nhỏ với số lượng 500 sinh viên của một số trường như: Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Làng Sinh viên Hacinco Hà Nội… Khi đặt câu hỏi: “Ngoài thời gian lên lớp, bạn thường làm gì?” thì có 27% sinh viên chọn đi làm thêm; 23% sinh viên tự ôn bài ở nhà; 22% sinh viên dành thời gian để vui chơi giải trí; 28% sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Qua tỷ lệ này có thể thấy, sinh viên có sự phân bổ thời gian khá đều cho cả việc học tập, tham gia các phong trào và các hoạt động bổ trợ ngoài giờ lên lớp.
Điều này được chúng tôi kiểm chứng khi đến Làng Sinh viên Hacinco Hà Nội vào một buổi tối cuối tuần. Đưa chúng tôi đi qua những hành lang nhỏ, Nguyễn Thị Dung, sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói: “Đấy, anh nhìn xem, vào các buổi tối, hầu hết các căn phòng đều kín cửa. Nhiều bạn lên giảng đường học đẩy tiến độ, có bạn đi học thêm ngoại ngữ, bạn thì đi làm thêm”… Chúng tôi hỏi vui: “Thế cuối tuần có bạn nào hẹn hò gì không?”. Dung cười: “Có chứ anh, tuổi trẻ mà. Việc hẹn hò là đương nhiên rồi! Thế hệ sinh viên chúng em bây giờ cũng năng động lắm. Việc học tập, vui chơi giải trí đều phải cân bằng anh ạ!”.
Sinh viên Trường Đại học Vinh tham gia hiến máu tình nguyện.
Do có ý thức tốt trong học tập, tu dưỡng mà hằng năm, tỷ lệ sinh viên rèn luyện tốt ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 1998-2014 có 25.890 học sinh, sinh viên được kết nạp Đảng, trong đó phần lớn là sinh viên.
Tích cực tham gia các hoạt động phong trào
Buổi tối đầu tiên đến Trường Đại học Vinh, chúng tôi khá bất ngờ vì nhiều hoạt động phong trào diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hàng trăm sinh viên. Ở một góc sân khấu, các bạn sinh viên câu lạc bộ ghi-ta đang tham gia sinh hoạt, bên kia là một nhóm sinh viên đang học nhảy hip-hop... Anh Nguyễn Thanh Chương, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh, cho biết: “Việc tổ chức thường xuyên các hoạt động Đoàn đã giúp sinh viên có những sân chơi bổ ích, qua đó góp phần rèn luyện đạo đức, tác phong cho các em. Đó cũng là biện pháp hiệu quả để sinh viên rèn luyện xây dựng lối sống lành mạnh. Chính vì vậy, các hoạt động Đoàn của nhà trường luôn thu hút một số lượng lớn sinh viên tham gia nhiệt tình, trách nhiệm”.
Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) vào ngày cuối tuần, không khí sôi nổi hơn thường nhật bởi tinh thần ra quân hăng hái của sinh viên tình nguyện dọn dẹp môi trường xung quanh nhà trường và địa phương. Hàng trăm sinh viên, người cầm cuốc, xẻng dọn rác dưới hào, người cầm dao đang phát cỏ hai bên con đường đi vào trường, người cầm chổi quét dọn vệ sinh. Khi được hỏi về việc tham gia các hoạt động tình nguyện, sinh viên Lã Thị Phương quệt mồ hôi “khoe” với chúng tôi: “Những hoạt động này không chỉ giúp chúng em có cơ hội được thể hiện tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, vì xã hội, mà còn là dịp để mọi người hòa mình trong môi trường sống tập thể, giúp nhau học tập và rèn luyện tiến bộ hơn”.
Do ý thức về việc tham gia các hoạt động xã hội và phong trào tình nguyện của sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao mà chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2016 được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá là thành công khi đã thu hút được đông đảo thanh niên, sinh viên với 74.500 tình nguyện viên tham gia tại 1.984 đội hình tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”. Cùng với đó, chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” năm 2016 cũng đã thành lập được 7.045 đội với sự tham gia của 340.150 sinh viên.
Năm học 2016-2017, cả nước có 386.312 sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; có 1.268 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, thành phố, đại học khu vực, 12.775 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường và 468 “Tập thể sinh viên 5 tốt”. Cùng với đó, 53 gương mặt tiêu biểu đã được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. |
(Còn nữa)
Bài và ảnh: DUY VĂN