Trước Tây Ban Nha có khả năng kiểm soát bóng vượt trội, Italy đã trở lại với chiến thuật phòng ngự phản công mang thương hiệu Catenaccio đã được họ tạo dựng trong hàng chục năm qua. Cũng vì dâng cao tấn công nên Tây Ban Nha bộc lộ nhiều lỗ hổng sau lưng khiến Italy tận dụng cơ hội ghi bàn mở tỷ số. Trận này cả hai đội đều mắc nhiều lỗi chuyền bóng hỏng, đặc biệt là thủ môn G.Donnarumma của Italy. Rất may hàng tiền đạo của Tây Ban Nha đã kém duyên, nếu không Italy đã phải nhận ít nhất hai bàn thua trong hiệp 1. Bóng đá là vậy, đôi khi chơi hay thôi là chưa đủ mà phải cần cả yếu tố may mắn. Italy vừa có may mắn, vừa thể hiện bản lĩnh trong thời điểm khó khăn. Thắng lợi trên chấm penalty là minh chứng. Sau trận đấu này tôi có nghe nhiều ý kiến bình luận rằng, Tây Ban Nha nên từ bỏ lối chơi tiqui-taca truyền thống. Theo tôi, nhận định này không đúng, bởi lối đá trên phù hợp với tố chất kỹ thuật, con người của họ. Làm sao chúng ta bắt Tây Ban Nha chơi bóng dài, tạt cánh đánh đầu truyền thống? Cũng không thể mong Tây Ban Nha chơi thực dụng bởi phòng ngự chưa bao giờ là điểm mạnh của họ. Thất bại của Tây Ban Nha tại Euro 2020 đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là họ không sở hữu được một chân sút đẳng cấp nào. Nếu Tây Ban Nha có hình mẫu của những D.Villa hay F.Torres trong đội hình, kết quả thi đấu của họ có lẽ đã khác.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Trận Tây Ban Nha-Italy là cuộc đối đầu đặc biệt bậc nhất của Euro 2020, giữa hai đội bóng khát khao chiến thắng, đang cố gắng tìm lại những chân trời họ từng chinh phục và gạt sang bên những ám ảnh quá khứ. Tây Ban Nha đã phải trả giá vì không tận dụng được những cơ hội mà họ có được trong 120 phút thi đấu, trước một Italy không còn là họ ở 5 trận đấu trước và rồi lại trả giá tiếp bằng hai quả luân lưu không thành công. Trớ trêu thay, khoảnh khắc đáng quên của Tây Ban Nha lại đến từ hai cái tên chói sáng bậc nhất của họ. D.Olmo, người làm khổ hàng thủ Italy trong cả trận và A.Morata, người gỡ hòa 1-1 ở phút 80. Đúng là Italy đã chơi trận dở nhất của mình kể từ đầu giải, đúng là họ đã đánh mất mình khi không thể chơi theo cách thường thấy. Nhưng, giống như một người đấu sĩ bị con bò tót tấn công dữ dội, Italy đã cầm cự tốt, rồi đâm một nhát kiếm vào cổ con bò bằng pha ghi bàn quá đẹp của F.Chiesa. Tiếp đó, Italy tiếp tục chống cự cho đến loạt luân lưu, để rồi đánh bại con thú đã mệt mỏi bằng thần kinh thép của G.Donnarumma.

HOA LƯ (ghi)