Nhân dịp Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đến Khu danh thắng Tây Thiên và ban tặng cho Đại Bảo Tháp Mandala bức tranh thêu Phật Quan Âm được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, tôi có dịp theo chân ngài đến với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này. Trong làn sương mù của buổi sớm, Tây Thiên hiện lên hư hư, thực thực. Tọa lạc trong lòng rừng nguyên sinh Tam Đảo, Tây Thiên có thế phong thủy vững chãi dựa vào mạch núi thiêng Thạch Bàn. Theo đánh giá của các chuyên gia, Tây Thiên nằm tại trung tâm các điểm: Đền Hùng, cố đô Hoa Lư, núi Tản-sông Đà, chùa Hương, chùa Yên Tử.

leftcenterrightdel
Lễ hội Tây Thiên năm 2017 thu hút hàng vạn du khách cùng tăng ni, phật tử. 
Tương truyền từ xa xưa, trong một chuyến viễn du sang phía Đông, nhà tu hành người Ấn Độ Khương Tăng Hội đã lựa chọn Tây Thiên làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Có câu đối ở đây đã viết rằng: “Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng/Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hòa lưu phương luôn chuyển khắp”. Danh tự "Tây Thiên" có nghĩa là Tây phương cực lạc, cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, được các tăng ni, phật tử cho là cảnh giới của sự giác ngộ và giải thoát khỏi luân hồi tử sinh.

Nằm ở bên trái cổng Tam Quan là Đại Bảo tháp Mandala-một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa. Đại bảo tháp có kết cấu ba tầng, có ý nghĩa quan trọng bởi là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí). Đại bảo tháp Mandala có tổng diện tích 1.500m2, cao 37m đã góp phần tôn vinh giá trị tâm linh và văn hóa của Tây Thiên và văn hóa Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới. Ngoài ra, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn nhất Việt Nam. Đây là nơi đào tạo Phật giáo có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam được phát triển đúng và trúng với hướng đi mà đức Phật đã khuyên dạy.

Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi có mặt tại Khu danh thắng Tây Thiên là đền Thượng thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu –Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Tương truyền rằng, bà Lăng Thị Tiêu cùng Vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Với những công lao đó, bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại Đền Thượng. Sau khi mất, bà vẫn thường hiển linh giúp các đời Vua Hùng sau giữ nước, vì thế bà đã được suy tôn danh hiệu “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương – Thượng Đẳng Phúc Thần”. Ngày nay, để đến được đền Thượng, du khách có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ cáp treo hoặc đi bộ. Sự phát triển của đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu chính là điều hài hòa, đặc biệt của Tây Thiên. Vào dịp rằm tháng hai hằng năm, tại Khu danh thắng Tây Thiên diễn ra Lễ hội Tây Thiên thu hút hàng vạn du khách, tăng ni, phật tử. Bên cạnh đó, Lễ hội Tây Thiên còn là nơi giao thoa văn hóa, tạo sự gắn kết giữa đồng bào các dân tộc với các hoạt động, như: Hát soọng cô, hát chèo, hát chầu văn...

Với mỗi người, chuyến hành hương Tây Thiên là một sự đến hay trở về, song cả hai hành trình đều tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình tự tại. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú là một sự trải nghiệm thú vị với mỗi du khách.

Bài và ảnh: HOA LƯ