Đến dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu. Trong hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành du lịch và nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo như đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thực tế ảo…

Tuy nhiên, du lịch và hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu nguồn nhân lực, sửa chữa, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách, tăng thêm sức hấp dẫn và hiệu quả hơn. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và người dân có công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch. Kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển.

Trên cơ sở kết quả phòng chống dịch, tham khảo ý kiến chuyên gia và sau khi được các cấp có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022 với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Qua đó đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch nước nhà, đáp ứng nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân và bạn bè quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự hợp tác, giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung và trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như trong thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để biến nguy thành cơ. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.

leftcenterrightdel

Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc. 

Nhân Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia-Quảng Nam 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022.

Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.

Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững; tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách của dân tộc ta.

Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng. Cần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề: "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh". Với 3 chương (Chương I: Vẻ đẹp bất tận, chương II: Về miền di sản và chương III: Hội nhập-tỏa sáng), chương trình là một câu chuyện xuyên suốt về chủ đề “Du lịch xanh” được dẫn dắt từ cội nguồn núi rừng đến biển, đảo; thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt của người dân, những phong cảnh làng quê, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa, gắn với tuyên truyền bảo vệ môi trường, giảm rác thải, phát triển du lịch an toàn, thân thiện. Chương trình được thực hiện tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo nên những đại cảnh phức hợp, nhiều màu sắc nghệ thuật.

Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 có 212 sự kiện, hoạt động. Trong đó, có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; 64 sự kiện, hoạt động do tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức và 138 sự kiện, hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 do 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.

Tin, ảnh: VĂN CHUNG