“Ở Nho Quan, sản phẩm văn hóa của bản Mường hết sức phong phú. Có nhiều bản còn nguyên vẹn các phong tục xưa. Điều đó chúng tôi đánh giá rất cao. Đấy cũng là nét văn hóa cần bảo tồn”, ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương (Vedana Resort) cho hay, khi giới thiệu về sự kiện mang ý nghĩa kích cầu du lịch Cúc Phương, Ninh Bình sau quãng thời gian dài ngừng hoạt động vì Covid-19.

 Bản sắc văn hóa dân tộc Mường là điểm nhấn trong Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn.

Theo đó, lễ khai mạc chương trình sẽ diễn ra vào tối 29-4, tại khu Hồ Mạc, Vườn Quốc gia Cúc Phương với chương trình trình diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc Mường và các dân tộc trong huyện, với các hoạt động: Trình diễn cồng chiêng, múa sạp; giao lưu nghệ thuật quần chúng; đêm hội âm nhạc, đẩy gậy, đánh mảng, đánh đu, ném còn; hội trại gắn với trưng bày quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống, du lịch của đồng bào dân tộc.

Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, huyện miền núi này được thiên nhiên ban tặng nhiều di tích lịch sử và danh thắng như động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Vườn Quốc gia Cúc Phương là địa danh du lịch từng 2 năm liền (2019, 2020) nhận danh hiệu Vườn quốc gia hàng đầu châu Á do World Travel Awards, với khu bảo tồn động thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ sơ kỳ đồ đá mới...

 Đến Cúc Phương du khách có thể trải nghiệm tìm hiểu những cây cổ thụ có tuổi đời nghìn năm.

Đáng nói, với việc địa bàn huyện hiện có gần 30 nghìn đồng bào dân tộc Mường sinh sống, việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa hiện có để kết hợp  cùng xu hướng du lịch sinh thái - vốn đang phát triển mạnh tại tỉnh Ninh Bình - cũng là chiến lược mà huyện Nho Quan đặt ra.

Theo đó, các loại hình nghệ thuật như hát giao duyên tiếng Mường ở xã Cúc Phương, cồng chiêng ở xã Kỳ Phú, Phú Long; các món truyền thống ốc núi, thịt hươu, rượu men lá, cơm cháy… hay các hình thức du lịch lưu trú homestay theo dạng nhà sàn, kiốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ... cũng đã được đồng bào đưa vào hoạt động để phục vụ du khách.

Cùng với sản phẩm du lịch bản địa của đồng bào các dân tộc nơi đây, trong dịp này, quần thể Vedana Resort được đưa vào hoạt động. Đây là công trình được đánh giá là một thành công của huyện Nho Quan trong việc thu hút đầu tư phát triển “du lịch xanh” tại địa phương. Cụm công trình này được xây dựng trên bãi đá lộ đầu - vốn không thể canh tác nông nghiệp, nhưng lại có lợi thế về du lịch - với diện tích hơn 15ha, do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế và hoàn thiện.

 Khu sinh thái lấy tre làm chất liệu chủ đạo của KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế và thực hiện.

Điểm nhấn của quần thể du lịch xanh là các công trình bằng tre thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, như nhà đón tiếp xây dựng từ 23.000 cây tre và Trung tâm hội nghị với 113.000 cây tre; nhà hàng tre rộng hơn 1.000m2, có chiều cao 15 mét (tương đương một tòa nhà 5 tầng) được xây dựng từ hơn 70.000 cây tre để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building… Toàn bộ các công trình này đều không sử dụng vật liệu kim loại để kết nối các thân tre, mà thay vào đó bằng việc dùng kĩ thuật đặc biệt để ghép bởi các thanh tre vót nhọn và dây dù. 

 Kiến trúc tre Việt làm tăng sức hấp dẫn và mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Cũng với ý tưởng khai thác văn hóa bản địa, theo ông Thịnh, trong tương lai quần thể này sẽ hiện hữu một Bảo tàng văn hóa Mường với quy mô 1.000 m2. Trong thời gian qua, Vedana Resort đã sưu tầm một số lượng lớn cồng chiêng và các hiện vật văn hóa tiêu biểu, gắn bó với đời sống người Mường để chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng. Theo kế hoạch, không gian văn hóa Mường này không chỉ là nơi trưng bày mà còn là địa chỉ lưu giữ - nơi bà con có thể gửi gắm những kỷ vật, vật dụng gắn bó với sinh hoạt, lao động sản xuất nhiều đời nay.

 Rừng quốc gia Cúc Phương hiện đang bảo tồn những loài vật được ghi vào sách đỏ.

Ông Hoàng Khắc Tiệp cho biết thêm, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường… đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa.

Đến nay, 8/8 xã có Trung tâm Văn hóa-Thể thao; 100% thôn, bản của 8 xã có nhà văn hóa, khu thể thao để phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. 7 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường tại các xã đã được thành lập, tổ chức nhiều hoạt động duy trì thường xuyên trong cộng đồng.

Có hẹn với Cúc Phương dịp này, du khách như lạc vào rừng cổ tích khi trải nghiệm những điều kỳ thú của thiên nhiên. 

“Với mục tiêu bảo tồn văn hóa dân tộc Mường để phục vụ phát triển du lịch, huyện cũng khuyến khích đồng bào dân tộc ở các xã mạnh dạn đầu tư làm du lịch; đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cho bà con xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho hay.

VƯƠNG HÀ