Sở Du lịch Hà Nội cũng ban hành nhiều công văn gửi các đơn vị về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; tăng cường đợt cao điểm tập trung người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền trên địa bàn Hà Nội; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật dịp Tết Nguyên đán.

Từ mồng 1 Tết (ngày 10-2) đến mồng 4 Tết (ngày 13-2), các điểm di tích, các điểm vui chơi trên địa bàn thành phố đều đón lượng lớn khách đến tham quan, trải nghiệm trong không khí tưng bừng, phấn khởi.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo du khách dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN 

Những di tích là điểm đến nổi tiếng của Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, Thăng Long tứ trấn, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm... thu hút đông đảo khách đến chiêm bái, lễ Phật, thánh và trải nghiệm không khí đón xuân ngày đầu năm mới.

Tính đến ngày mồng 4 Tết (ngày 13-2), lượng khách đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đạt hơn 50.000 lượt khách trong. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến thu hút đông đảo người dân Hà Nội và du khách các tỉnh, thành phố đến tham quan, xin chữ đầu năm. Trong 4 ngày Tết, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón 90.000 lượt khách đến tham quan.

Sáng mồng 1 Tết, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức đón 36 khách quốc tế (Đan Mạch và Na Uy) đến "xông đất" làng cổ. Trong 4 ngày Tết, làng cổ Đường Lâm đón hơn 15.000 khách tham quan, trong đó có hơn 600 khách quốc tế.

Bên cạnh đó, Khu di tích Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 25.000 lượt khách tham quan trong 4 ngày Tết Nguyên đán.

NGỌC ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.