Đây cũng là nội dung được bàn luận tại hội thảo “Du lịch trách nhiệm, mong muốn và hiện thực” diễn ra tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ngày 8-1.
Du lịch còn mờ nhạt và chưa lan tỏa
Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu, con người thân thiện, mến khách, Đồng Tháp được xem là nơi hội tựu đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch. Số liệu thống kê cho biết, tính đến năm 2016, Đồng Tháp đón nhận khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 60.000 lượt. Mặc dù vậy, du lịch Đồng Tháp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Tính đến nay, giá trị thương mại, dịch vụ chỉ chiếm 22% trong tổng nền kinh tế. Đóng góp du lịch cho sự phát triển lại rất khiêm tốn, chỉ khoảng 5-6%.
Làng hoa Sa Đéc, một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Đồng Tháp.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đánh giá: “Mặc dù là tâm điểm kết nối các trung tâm du lịch lớn như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang... nhưng du lịch Đồng Tháp chưa lan tỏa, hình ảnh còn mờ nhạt, chưa có nhiều người biết đến. Con người yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Thế nhưng, thời gian qua, những đội ngũ làm du lịch vẫn còn mang tâm lý tự ti, chờ đợi, chưa dám mạnh dạn mở rộng quy mô hoặc khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp”.
Anh Trình Ngọc Bảo Trí, Công ty du lịch Hải Âu Touris, TP Hồ Chí Minh nhận định: “Đồng Tháp hiện còn hạn chế về nhiều mặt. Cụ thể là vườn quốc gia Tràm chim, số lượng chim, cò rất hạn chế. Đặc biệt về các dịch vụ khách sạn, ăn uống cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Đây là một trong những rào cản lớn cho việc phát triển du lịch của địa phương”.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch phải kể đến đội ngũ hướng dẫn viên. Song điều đáng quan tâm là tỷ lệ lao động có chuyên môn trong hoạt động này chỉ chiếm 42,5%. Tình trạng thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn không chỉ tồn tại trong đội ngũ lao động trực tiếp mà còn thể hiện ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý du lịch. Mặt khác, nội dung đào tạo chưa gắn kết với thực tế và người học chưa có cơ hội thực hành nên chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Cuộc “cách mạng” cho du lịch Đồng Tháp
Để Đồng Tháp trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong 10 năm tới, theo ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Đồng Tháp nên có chiến lược ngắn, trung và dài hạn. Đầu tiên nên quan tâm tuyến điểm du lịch; điều kiện lưu trú; ẩm thực và nhất là chú ý đến việc liên kết các các tour để giữ chân du khách”.
“Chúng ta nên xây dựng từ những cái không có, đã có. Cần có một đề án phát triển làng hoa. Theo tôi, chúng ta nên có đề án tôn tạo lại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, xây dựng hệ thống bảo tàng hay một khu tái hiện toàn bộ những nét đặc trưng của Đồng Tháp như: Lúa gạo, trái cây, nhà cổ, làng bột, dệt chiếu..., anh Đặng Quang Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Focus Travel ý kiến.
Theo nhiều đại biểu, Đồng Tháp nên làm du lịch theo đúng bản chất Việt Nam, thân thiện và hiếu khách. Trong thời điểm công nghệ phát triển, nhiều đứa trẻ không biết đến các trò chơi dân gian, vì thế chúng ta nên phát triển khu vui chơi mà trong đó chú trọng đến các trò chơi dân gian để thu hút khách tham quan. Ngoài ra, Đồng Tháp nên nâng cấp hệ thống khách sạn; cần có biện pháp đào tạo để mỗi người làm du lịch là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp...
Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Trước nhu cầu phát triển mới, Đồng Tháp xác định không thể dựa mãi vào tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp mà cần song hành cùng nông nghiệp. Hiện địa phương đang tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nét đặc sắc, riêng có của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tổ chức liên kết với khu vực và cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kinh doanh du lịch theo quy hoạch và định hướng chung. Thu hút, triển khai các dự án du lịch nhằm vào khách nước ngoài, khách nội địa có thu nhập cao.
Tháo gỡ khó khăn về yếu tố con người, Đồng Tháp còn gắn đào tạo với thực tiễn địa phương. Tạo điều kiện để giáo viên và sinh viên tiếp cận các giá trị văn hóa - lịch sử địa phương. Trong từng môn học cụ thể, các giá trị kiến thức lý thuyết nghiệp vụ được tích hợp vào thực hành, thực tiễn tại các cơ sở kinh doanh du lịch, hướng tới hình thành kỹ năng phục vụ du lịch đạt chuẩn nghề du lịch khối ASEAN. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng chuyên đề ngoại ngữ du lịch, rèn luyện kỹ năng sử dụng ngữ gắn liền các hoạt động du lịch. Thành lập câu lạc bộ tình nguyện viên du lịch...
Để du lịch Đồng Tháp để lại dấu ấn trong lòng du khách, Đồng Tháp đang xây dựng nhiều chương trình, trong đó chương trình phát triển sản phẩm du lịch để du khách đến đây sẽ có một món quà lưu dấu chuyến đi đó. “Để làm được điều này, chúng tôi đang liên kết với các nghệ nhân, các làng nghề tạo nên sản phẩm đa dạng, trước mắt là tái hiện nét đặc trưng của điểm đến như: Sản phẩm hoa tái hiện làng hoa Sa Đéc, vật lưu niệm như chim, cò tượng trưng cho vườn quốc gia Tràm chim hay trang phục được dệt và in dấu làng dệt Đồng Tháp...”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Bài, ảnh: THÚY AN