Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế du lịch, với 137km bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Kỳ Ninh, Đèo Con; nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, với hệ thống giao thông thuận lợi phát triển du lịch trong nước và kết nối các nước khác trong khối ASEAN. Hà Tĩnh cũng là điểm đầu của tuyến du lịch con đường di sản miền Trung với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng, là những điểm đến tham quan về du lịch lịch sử, tâm linh… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được.

leftcenterrightdel
Một góc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: dulichhatinh.com.vn 
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Hạnh, giảng viên Trường Đại học Vinh, Hà Tĩnh có rất nhiều thế mạnh về du lịch. Bởi đây là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa giàu bản sắc với gần 500 di tích, danh thắng với đủ loại hình như: Khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích... nhiều di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, nhiều hình thức diễn xướng độc đáo như ca trù, ví, giặm… Hà Tĩnh có một trầm tích văn hóa giàu có, đặc sắc làm nên diện mạo của một vùng đất, một miền quê sơn thủy hữu tình. Đó là tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình văn hóa, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tĩnh trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa. Hiện nay, Hà Tĩnh có 426 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 77 di tích cấp quốc gia và 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hóa dân gian hết sức phong phú, được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; đặc biệt dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là Di sản tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 261 cơ sở lưu trú với hơn 5.000 phòng; có gần 1.000 nhà hàng kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch. Nhiều dự án như: Trung tâm thương mại cao cấp Vincom Plaza Hà Tĩnh; khu hoạt động giải trí phục vụ khách du lịch công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh của Vingroup và tổ hợp dịch vụ sân gôn 18 lỗ, thể thao giải trí của Công ty Hồng Lam Xuân Thành... nhiều khu, điểm du lịch đã và đang tiếp tục được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư xây dựng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch biển và sinh thái; đầu tư nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hà Tĩnh có tính cạnh tranh cao, bền vững; tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế, nhất là du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Singapore và các nước khác trong khối ASEAN; đồng thời hết sức chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa; tăng cường liên kết vùng và liên vùng.

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị góp ý kiến cho “Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Theo ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, thực tế để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nhận rõ được tiềm năng, lợi thế của địa phương nên chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung sức lãnh đạo, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển. Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh tập trung phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đào tạo nghề trên địa bàn, kết hợp với bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ. Nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chủ động tổ chức mời, đón các hãng lữ hành đến khảo sát những khu, điểm du lịch trong tỉnh, kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường. Hà Tĩnh cũng tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch... UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định mục tiêu: Tập trung phát triển du lịch Hà Tĩnh dựa trên thế mạnh của địa phương, đưa du lịch Hà Tĩnh thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025; phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Bắc Trung Bộ.

LÊ ANH TẦN