Trong lần đầu tiên đến Quần thể danh thắng Tràng An, du khách Shammy Choudhary (Ấn Độ) vô cùng bất ngờ với vẻ đẹp thiên nhiên của nơi đây và hào hứng khi được hóa thân thành các thổ dân cổ Tràng An tại điểm du lịch đảo Khê Cốc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Shammy Choudhary bày tỏ: “Tôi được biết, cách đây 30.000 năm, Tràng An đã có người dân sinh sống. Đến đảo Khê Cốc, chúng tôi có dịp tìm hiểu về không gian văn hóa của người Tràng An với những nét sinh hoạt độc đáo”.          

leftcenterrightdel
 Đảo Khê Cốc thuộc Quần thể danh thắng Tràng An mới đi vào đón khách du lịch đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: MINH ĐƯỜNG

Được đưa vào vận hành đón khách kể từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảo Khê Cốc là nơi tái hiện một góc nhìn không gian sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An sau biển thoái. Đó là khi môi trường tự nhiên ở bãi bồi thung lũng ven khe suối tạo điều kiện thuận lợi cho con người bước đầu định cư, khai thác và sáng tạo nên các hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú đan xen giữa hình thái cư trú thung khe và trú ẩn hang động, giữa sản xuất ban đầu và khai thác tự nhiên.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ truyền thông đảo du lịch Khê Cốc cho biết: “Hằng ngày lượng khách đến với đảo Khê Cốc khoảng từ 1.000 đến 2.000 lượt khách, ngày chủ nhật lên tới 10.000 lượt khách. Đặc biệt đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nơi đây đón tới 20.000 lượt khách/ngày. Cảm nhận chung của du khách khi tới Khê Cốc đều thích thú khi được tìm hiểu về văn hóa Tràng An và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, cùng các hoạt động trải nghiệm như: In rập hình ảnh họa tiết về rồng phượng, bịt mắt bắt vịt, hóa thân thành thổ dân, thổ dân nhảy múa, thổ dân thu hoạch rồi đổi phần quà. Hiện nay, cán bộ, nhân viên phục vụ tại đảo Khê Cốc khoảng 50 người, đủ điều kiện đáp ứng đón tiếp du khách kể cả ngày cao điểm”.

leftcenterrightdel
Hóa thân thành cư dân cổ Tràng An. Ảnh: MINH ĐƯỜNG 

Nằm ở vị trí thuận lợi khi gần bến đò Tràng An, cạnh đảo Kông (nơi ghi hình phim Kong: Đảo đầu lâu), nên đảo Khê Cốc rất thuận tiện trong việc đón khách, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Việc phục dựng và tái hiện cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc nhằm cung cấp tới du khách một góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ; giữ gìn và trao quyền di sản cho các thế hệ sau. Đồng thời việc phục dựng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu những bài học lịch sử quý báu để luôn biết phụng dưỡng “mẹ thiên nhiên“, bảo vệ môi trường sống, tổ chức đời sống con người hài hòa với tự nhiên, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu ngày nay”.

HÀ TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.