Nhắc đến thủ phủ cà phê Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay tới Buôn Ma Thuột.
Để lan tỏa, bảo tồn văn hóa cà phê trên mảnh đất bazan màu mỡ, từ năm 2005, TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty Cà phê Trung Nguyên tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.
Lễ hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào tháng 3, khi mùa xuân tiết trời mát mẻ. Lễ hội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
 |
Hoa hậu H'Hen Niê và hoa hậu Đinh Thị Hoa bên hoa cà phê trên mảnh đất Tây Nguyên. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp |
Qua 8 lần tổ chức, lễ hội đã nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch của tỉnh Đắk Lắk; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Bên cạnh đó, lễ hội còn không ngừng giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Năm nay, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 với chủ đề “Buôn Ma Thuột-Điểm đến của cà phê thế giới” diễn ra từ ngày 9 đến 13-3, tại Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 / 10-3-2025); góp phần xây dựng hình ảnh Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới".
Bên cạnh các hoạt động như: Khai mạc, bế mạc, lễ hội đường phố, hội nghị giao thương quốc tế kết nối... lễ hội sẽ mang đến các điểm nhấn mới như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang cà phê đặc sản, Lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại cà phê “đồng hành, chia sẻ” tại Khu di tích lịch sử-văn hóa đồn điền CADA, huyện Krông Pắc...
Tâm sự về lễ hội, hoa hậu H'Hen Niê cho biết: “Không chỉ Hen mà gia đình và bạn bè Hen cũng chờ đợi lễ hội với niềm tự hào của người con Đắk Lắk và tình yêu dành cho cây cà phê, biểu trưng tinh túy của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Hen còn nhớ lúc nhỏ cả gia đình mong ngóng tới mùa thu hoạch cà phê. Năm nào cà phê được mùa, mẹ có thêm tiền mua quần áo mới cho các con. Việc trồng cây cà phê không chỉ đem lại thu nhập kinh tế cho gia đình mà đó còn là niềm hạnh phúc của Hen, là niềm vui và sự mong mỏi của cả gia đình”.
Cà phê không chỉ mang đến hương vị của loại nước uống cao cấp lẫn dung dị trong đời sống hằng ngày của nhiều người mà còn là văn hóa. Từ những bông hoa cà phê trắng muốt đến khi ra trái rồi tới những ly cà phê thơm phức, mang hương vị đặc trưng của vùng đất bazan đã để lại cho người thưởng thức một ấn tượng không thể quên.
Hương vị ấy như thôi thúc du khách đến với vùng đất bazan vào tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, để được hòa vào không gian Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, nơi quy tụ tinh hoa cà phê Đắk Lắk, hứa hẹn sẽ để lại những ký ức đẹp về kinh tế-văn hóa của cây cà phê Tây Nguyên trĩu nặng yêu thương, đậm tình người.
THÁI PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.