Làng cổ Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cách thủ đô hơn 40km. Từ lâu, làng cổ Đường Lâm được biết đến là ngôi làng còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời, có sức sống trường tồn với thời gian. Cư dân mọi miền thường hay gọi đây là “làng đá ong Đường Lâm”, đất “Hai vua”. Nơi đây hấp dẫn lòng người bởi sắc màu cổ kính hiện hữu trong từng con đường, ngôi nhà, mái đình, ngôi đền, thành cổ và những nét văn hóa cổ truyền được cư dân bản địa gìn giữ và truyền lại qua bao thế hệ. Đó là những di sản làm nên sắc màu của một làng quê thanh bình, yên ả, dung dị và chân chất hồn quê.
|
|
Những ngõ nhỏ được tạo tác bằng đá ong mộc mạc là đặc trưng nổi bật ở Đường Lâm.
|
Dừng chân ở cổng làng Mông Phụ, một trong những công trình cổ kính bậc nhất ở Đường Lâm, con người được hòa mình vào không gian Đường Lâm với những điểm dừng chân lý tưởng trong chuyến khám phá, trải nghiệm làng cổ. Cổng làng được tạo tác bằng đá ong, lớp mái ngói vảy, trụ cột vững chãi, rêu phong cổ kính nhuốm màu thời gian. Phía bên cạnh là cây đa cổ thụ tỏa bóng xuống mái cổng, rợp bóng mát càng tôn thêm vẻ đẹp yên bình, trầm mặc, thấp thoáng dáng hình cổng làng của quê hương Việt Nam.
Bước chân trên con đường làng uốn lượn quanh những xóm làng bình dị, du khách cảm nhận được sự trong lành, thư thái và bình dị của ngôi làng với những nét thanh sơ, đậm chất cổ xưa còn được lưu giữ. Đó là những ngôi nhà cổ 5 gian có niên đại hằng trăm năm tuổi được tạo dựng bằng gỗ với lối kiến trúc cổ kính. Từ cột, kèo, mái nhà, tường nhà và trang trí, nội thất đều toát lên nét xưa độc đáo và thân thuộc. Những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm là điểm dừng chân tham quan của du khách luôn được nhắc đến như nhà ông Thể, nhà ông Hùng… Ở đó, chủ nhân của những ngôi nhà luôn chan hòa, nồng hậu đón khách và say sưa giới thiệu cho khách tham quan lịch sử và kiến trúc của ngôi nhà.
Dọc con đường làng, du khách còn được chiêm ngưỡng những bức tường đá ong mộc mạc bao quanh những ngôi nhà cổ. Những con ngõ nhỏ xinh được xây bằng đá ong, phía trên là những chùm hoa dây mềm mại, tạo nên dáng vẻ vừa vững chãi vừa tươi mới, hài hòa. Đây là đặc trưng nổi bật của làng cổ Đường Lâm và cũng là kiến trúc cổ xưa của làng quê Bắc bộ.
Đến làng cổ Đường Lâm, ngoài những ngôi nhà cổ, du khách còn được khám phá những di sản vốn là điểm nhấn của làng quê này. Đó là ngôi đền thờ vua Phùng Hưng, lăng và đền thờ vua Ngô Quyền, đình làng Mông Phụ, thành cổ Sơn Tây, giếng cổ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Dấu mốc thời gian và lối kiến trúc độc đáo, tài hoa của người xưa được hiện hữu rõ nét qua những hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối của những công trình cổ kính ở Đường Lâm. Ngôi đình làng Mông Phụ có niên đại gần 400 năm được thiết kế theo cấu trúc Việt - Mường tạo nên một dáng nét vừa hài hòa trong sự giao thoa văn hóa.
|
|
Không gian làm tương, một đặc sản nổi tiếng của làng cổ Đường Lâm. |
Ẩm thực cũng là một yếu tố tạo nên sức hút cho du lịch ở làng cổ Đường Lâm. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn cổ truyền, dân dã mà đậm đà dư vị đồng quê như gà mía Sơn Tây, thịt lợn quay đòn, chè kho, chè lam, nem, rau muống luộc chấm tương, cá kho, cà ngâm tương, bánh tẻ, kẹo dồi, kẹo lạc. Ngồi bên những ngôi nhà cổ, tìm cảm giác thư thái trong không gian yên tĩnh, thưởng thức những món ăn do chủ nhân của ngôi nhà chế biến sẽ giúp cho mỗi du khách có được những trải nghiệm về văn hóa vô cùng ý nghĩa.
Chị Trần Thị Thanh Thủy (Nho Quan, Ninh Bình) chia sẻ: “Lần đầu đến làng cổ Đường Lâm, tôi như được hòa mình vào không gian làng quê yên bình, cổ kính và có được những trải nghiệm ý nghĩa về những giá trị văn hóa được lưu giữ qua bao thế hệ”.
Không chỉ là một làng quê, Đường Lâm còn là một không gian văn hóa có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, phong tục, tập quán, nơi lưu giữ những huyền tích, truyền thuyết và những chiến tích từ trong lịch sử của dân tộc. Nơi đây là điển hình cho văn hóa làng của vùng Bắc bộ, là điểm nhấn trong những chuyến trải nghiệm của du khách mọi miền.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.