Đặc trưng của mâm cỗ Tết của miền Bắc là các món như: Gà luộc, bánh chưng, xôi (gấc hoặc đỗ xanh), giò, canh măng… Tuy có sự giống nhau về văn hóa nhưng trong mâm cỗ Tết truyền thống của người dân làng cổ Đường Lâm lại không thể thiếu hai món là thịt quay đòn và gà Mía - sản vật tiến vua thời xưa.

Là cơ sở ăn uống đầu tiên của làng cổ Đường Lâm, nhà hàng Bếp Làng vẫn giữ được nguyên vẹn mâm cỗ Tết để phục vụ, giới thiệu và quảng bá đến bạn bè trong nước, quốc tế. Chị Lâm Thị Na, Chủ nhà hàng Bếp Làng cho hay, mâm cỗ Tết của làng cổ Đường Lâm hội tụ đầy đủ tinh hoa ẩm thực của xứ Đoài, qua đó, phản ánh rõ nét sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ. Trong mâm cỗ tuy giản dị nhưng lại đầy đủ hương vị, màu sắc, được bày biện và trang trí đẹp mắt, hấp dẫn. 

leftcenterrightdel

Mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của làng cổ Đường Lâm không thể thiếu thịt quay đòn và gà Mía.

Điều đặc biệt là trong mâm cỗ Tết của người dân làng cổ Đường Lâm chính là gà Mía. Chị Na chia sẻ, gà Mía Đường Lâm xưa kia được dùng để tiến vua bởi hình dáng phảng phất dáng công, dáng phượng. Loại gà này không nuôi bằng cám hay chất tăng trọng mà hoàn toàn nuôi bằng ngô, thóc, sắn… Dáng gà nhỏ, không to như gà ri, gà đông tảo, da lại có màu đỏ au, cho đến khi trọng lượng đạt khoảng 2kg, da gà chuyển sang màu vàng là đạt yêu cầu. 

Theo chị Na, ngoài làm sản vật tiến vua, gà Mía là món ăn đặc trưng chỉ được dùng để dâng lên tổ tiên trong dịp Tết nhằm tỏ lòng thành kính. Hiện nay, giống gà Mía Đường Lâm được Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Hadico (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội) nhân giống và nghiên cứu, bảo tồn gen. Du khách tới thăm làng luôn ưa chuộng món ăn này nhờ có hương vị thơm ngon, thịt gà chắc.

Ông Hà Hữu Thể, người đã gắn bó trọn cuộc đời của mình ở làng cổ Đường Lâm cho biết, trong mâm cỗ Tết của làng từ xưa đến nay sẽ có thêm món thịt quay đòn với lớp bì giòn tan, thơm lừng hương ổi, bên trong lớp vỏ giòn là lớp thịt ngọt mềm, ngậy béo mà ăn bao nhiêu cũng không thấy ngấy.

leftcenterrightdel
 Món thịt quay đòn được ăn kèm với dưa chua.

Phương thức chế biến của thịt quay đòn cũng lắm công phu, bởi phải mất tới 6 tiếng mới cho ra đời được một mẻ thịt từ công đoạn chuẩn bị. Điều làm nên sức hấp dẫn của thịt quay đòn Đường Lâm nằm ở lá ổi. Lá ổi non được băm nhỏ ướp với thịt, phần lá bánh tẻ thì dùng để lót vào miếng thịt trước khi cho vào quay. Chẳng thế mà người dân làng cổ vẫn dạy con cháu rằng: 

Dù ăn bánh kẹo mười phương
Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi
Trắng phau là phong kẹo dồi
Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê
Chè kho ngọt lịm đam mê
Nhớ thịt quay đòn, tìm về Đường Lâm
”.

Có thể thấy, tinh hoa của ẩm thực làng cổ Đường Lâm không cầu kỳ nhưng lại công phu và có sự khác biệt rõ nét. Chẳng thế mà trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vừa được nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024, giải thưởng được trao trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024 tổ chức tại Lào. 

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bao gồm cả mâm cỗ Tết truyền thống sẽ là sản phẩm du lịch trọng tâm của làng trong thời gian tới. Sản phẩm gà Mía Đường Lâm cũng đã được nhận giấy bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Điều này sẽ là tiền đề quan trọng đưa đặc sản của làng cổ Đường Lâm trong mâm cỗ Tết đến gần hơn với thị trường nước ngoài.

Bài, ảnh: HỒ HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.