Sau gần hai năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ vị thế đầu tàu, vai trò “nhạc trưởng”, thúc đẩy toàn vùng và cả nước phát triển. Dấu ấn nổi bật chính là sự đột phá mạnh mẽ của mạng lưới giao thông kết nối vùng và liên vùng...

Tôi bước lên khoang hành khách của chiếc “xe lội nước” ở bến Bạch Đằng. “Xe lội nước” là cách tu từ của một số du khách để chỉ loại phương tiện vận tải hành khách đường thủy độc đáo của TP Hồ Chí Minh, đó là buýt sông. Những năm gần đây, buýt sông Sài Gòn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách.

Đưa vào khai thác từ năm 2017, buýt sông nhanh chóng được người dân và du khách lựa chọn. Nắm bắt xu hướng và nhu cầu của du khách, cuối năm 2023, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh khai thác thêm mô hình buýt sông hai tầng, tập trung phát triển phân khúc du lịch đường thủy về đêm. So với buýt sông truyền thống, buýt sông hai tầng được thiết kế với nhiều tiện ích, khang trang, hiện đại hơn...

leftcenterrightdel

Kênh Tàu Hủ và đường Võ Văn Kiệt hướng về trung tâm quận 1 rực rỡ về đêm. Ảnh: TRUNG TRỰC 

Những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng du khách đến TP Hồ Chí Minh rất đông. Mô hình du lịch đêm và du lịch đường thủy ở thành phố đông dân nhất cả nước ngày càng có sức hút lớn. Ngồi trên những chuyến buýt sông hai tầng sang trọng lướt sóng sông Sài Gòn giữa đôi bờ lao xao sóng vỗ, ngắm thành phố khang trang lấp lánh ánh đèn, cảm giác thật thư thái.

Ngồi ở hàng ghế phía sau chúng tôi là hai du khách người Mỹ. Cuộc trò chuyện giữa họ với những người bạn sinh viên ở thành phố này mang đến nhiều điều thú vị. Một trong hai bạn du khách này có ông là cựu binh Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam những năm cuối thập niên 1960.

Đây là lần thứ hai bạn đến Việt Nam. Lần trước, cách đây 5 năm, chàng trai người Mỹ đi cùng gia đình đến Hà Nội và Quảng Trị. Lần này đôi bạn tự rủ nhau đi, chọn điểm đến đầu tiên là TP Hồ Chí Minh. “Ông của tôi bị thương trong một cuộc đụng độ nảy lửa với Quân Giải phóng ở chiến trường Đông Nam Bộ vào khoảng năm 1968-1969. Trở về Mỹ, ông làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Mong ước được một lần trở lại Việt Nam chưa thực hiện được thì ông đổ bệnh, qua đời khi tôi còn trong bụng mẹ. Cha mẹ tôi sau đó đã thực hiện lời trăng trối của ông, đến thăm đất nước nhiều duyên nợ trong chiến tranh. Và nay đến lượt tôi. Tôi đang theo học một khóa tiếng Việt. Qua mạng xã hội, chúng tôi quen được nhiều bạn ở Việt Nam. Chúng tôi vô cùng ấn tượng trước tình cảm con người và phong cảnh ở thành phố này.

Được ngắm vẻ đẹp của thành phố dọc đôi bờ sông Sài Gòn trong nhịp sống thanh bình, hối hả thật tuyệt. Chúng tôi rất yêu câu nói của người Việt Nam, rằng chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...”. Chia sẻ của bạn trẻ người Mỹ đã phần nào phản ánh lý do ngày càng có nhiều du khách người Mỹ, du khách châu Âu tìm đến Việt Nam, đến TP Hồ Chí Minh để khám phá, trải nghiệm...

Tầm nhìn thành phố hiện đại, văn minh từ dòng sông Sài Gòn không chỉ là câu chuyện của tour du lịch đường thủy nổi tiếng, mà nó là biểu hiện sinh động của chiến lược phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan tuyên giáo, thông tấn, báo chí vừa qua, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc khai thác lợi thế đặc trưng sông nước để xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình không phải đến bây giờ mới đặt ra, mà đã được các thế hệ lãnh đạo thành phố nhìn nhận, hoạch định từ lâu.

Hành trình kiến thiết, phát triển TP Hồ Chí Minh sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất luôn gắn liền với khai thác thế mạnh và chiều sâu lịch sử, văn hóa sông nước. Với Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đây là thời điểm hội tụ mọi yếu tố thuận lợi để thành phố tạo bứt phá mạnh mẽ để phát triển. Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết 24, TP Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, vị thế “nhạc trưởng” của vùng Đông Nam Bộ.

Mũi nhọn đột phá là phát triển, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng và chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội dọc theo sông Sài Gòn. Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu mô hình phát triển sông Seine (Pháp), bay khảo sát thực địa bằng trực thăng, lấy ý kiến giới chuyên gia, nhà khoa học và tham khảo ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, TP Hồ Chí Minh đã bước đầu phác thảo mô hình phát triển kinh tế-xã hội sông Sài Gòn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố sẽ đi đầu cùng với các địa phương có chung lưu vực sông Sài Gòn phối hợp quy hoạch, xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, công trình kinh tế, dịch vụ, dân sinh... dọc hai bờ sông theo hướng hiện đại.

Đến năm 2030, dọc hai bờ sông Sài Gòn sẽ hiện hữu những khu đô thị mới khang trang, mang dáng dấp, biểu tượng của hội nhập quốc tế. Đó là nơi tập trung các trung tâm lớn về trí tuệ, công nghệ, tài chính, khoa học kỹ thuật... mang tầm quốc tế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó sẽ là điểm đến của những trí thức trẻ có trình độ, tiềm năng, tiềm lực và tình yêu với Việt Nam, như đôi bạn trẻ người Mỹ mà chúng tôi đã gặp trong tour du lịch sông Sài Gòn.

Sông Sài Gòn mang trong mình dấu ấn công cuộc khai khẩn, lập ấp của ông cha từ 326 năm trước. Dòng sông ấy là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cất bước ra đi tìm đường cứu nước từ 113 năm trước. Đó cũng là dòng sông lưu giữ những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Sông Sài Gòn là dòng sông của lịch sử-văn hóa, gắn bó máu thịt với lớp lớp thế hệ con Lạc, cháu Hồng trên vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao thiên biến càn khôn, dòng sông ấy vẫn nguyên dòng chảy về Biển Đông, theo tuần trăng nước ròng nước lớn, trăm năm sóng vỗ rì rào. Với tầm nhìn thời đại mới, những giá trị lịch sử và văn hóa đã được chưng cất, kết tinh, trở thành hồn cốt, phương châm, lẽ sống của con người Thành phố mang tên Bác, hào hiệp, cởi mở, anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình... Dòng sông ấy đã và đang mở ra những con đường phía trước, như là những đại lộ thênh thênh, đưa thành phố theo tiếng sóng dòng sông vươn ra biển lớn...

Trong những con đường ven theo sông Sài Gòn đã thành hình, đường sắt đô thị (tuyến Metro số 1) với ga xuất phát ở Bến Thành là con đường được quan tâm, chú ý nhất hiện nay. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã trân trọng kính mời các đại biểu chiến sĩ Điện Biên tham gia chuyến trải nghiệm cùng Metro số 1.

leftcenterrightdel
Đường giao thông nối quận 4 với trung tâm quận 1 bên sông Sài Gòn nhìn từ trên cao. Ảnh: BẢO MINH 

Đây là một nghĩa cử tri ân vô cùng ý nghĩa. Những cụ già tuổi thượng thượng thọ được các đồng chí lãnh đạo trẻ và đại biểu Bộ đội Cụ Hồ, đoàn viên thanh niên dìu, bước lên những toa tàu mới tinh. Đi dọc đô thị theo bánh con tàu quay, ngắm nhìn thành phố thân yêu qua cửa kính toa tàu, ánh mắt các chiến sĩ Điện Biên không giấu được niềm xúc động, tự hào.

Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ, quê Hà Tĩnh, đã bước vào tuổi 91, xúc động nói: “Chúng ta là con cháu Cụ Hồ, chiến đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc cũng là để có được ngày hạnh phúc ngắm nhìn giang sơn gấm vóc liền một con đường, được chứng kiến đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, no ấm. Thế hệ các bác đã hoàn thành sứ mệnh với Tổ quốc. Thời đại ngày nay là của các cháu, do các cháu. Ngồi trên chuyến tàu hiện đại, cảm nhận rõ cơ đồ, tiềm lực, vị thế của đất nước hôm nay, các bác hạnh phúc vô cùng!”.

70 năm trôi qua, ký ức về những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của các chiến sĩ Điện Biên vẫn vẹn nguyên, tươi rói như mới hôm qua. Trong vòng tay con cháu, những năm tháng hào hùng một thời trai trẻ cứ như cuộn phim quay ngược, hiện về rõ mồn một.

Trong những đại biểu được trải nghiệm tuyến Metro số 1, có những người nguyên là chiến sĩ Giải phóng quân, tiến vào giải phóng Sài Gòn gần nửa thế kỷ trước. Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã kết thúc 49 năm. Thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” làm nên chiến thắng huy hoàng vào mùa Xuân 1975 đến nay cũng đã bạc tóc, còng lưng. Trên chuyến tàu trải nghiệm, họ khoanh tay lễ phép trước các chiến sĩ Điện Biên. “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”... là như thế đó!

Lịch sử bàn giao sứ mệnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho con cháu hôm nay và mai sau. Xu thế hội nhập quốc tế để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường đã và đang được thế hệ hôm nay thực hiện bằng bản lĩnh, sức mạnh của độc lập, tự chủ, mở rộng cửa chào đón bạn bè quốc tế đến hợp tác, làm ăn, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Con tàu lướt êm ru dọc cung đường trên cao. Dòng sông và những con đường bừng lên trong ánh bình minh.

Tháng Tư trên TP Hồ Chí Minh thật đẹp!

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.