Thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công lao các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu với quân thù để đảm bảo giao thông trên đèo Đá Đẽo, chúng tôi được nghe các cựu chiến binh Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh cho biết: Trong chiến tranh, đèo Đá Đẽo là một trong những vị trí chiến lược trên tuyến Đường 15A, trong hệ thống đường Trường Sơn. Chính vì vậy, địch ra sức đánh phá ngăn chặn. Các lực lượng bảo vệ và đảm bảo giao thông Đường 15 nói chung và đoạn qua đèo Đá Đẽo nói riêng đã ngày đêm chiến đấu anh dũng để tuyến Đường 15 qua đây không bị ách tắc.

leftcenterrightdel
Bia di tích đèo Đá Đẽo.

Ngày ấy, Tiểu đoàn 24 Công binh, Binh trạm 12, Đoàn 500 (từ năm 1970 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn) và lực lượng nữ Thanh niên xung phong (TNXP) N.37. có nhiệm vụ chốt giữ, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên Đường 15A, tại trọng điểm đèo Đá Đẽo.

Thời kỳ địch đánh phá ác liệt nhất là từ năm 1968 đến năm 1972; chúng đã dùng hàng nghìn lượt máy bay nhiều loại, ném hàng chục nghìn quả bom. Có tháng chúng đánh liên tục cả 30 ngày, có ngày đánh hơn 60 lần tại khu vực trọng điểm này. Ngoài bom, đạn, những cán bộ, chiến sĩ công binh và lực lượng TNXP còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: Điều kiện ăn ở thiếu thốn đủ thứ; nguồn nước không hợp vệ sinh, sốt rét... Thế nhưng, các anh, chị luôn ngày, đêm bám đường. Ngay sau khi máy bay địch ngừng đánh phá, trinh sát phát hiện đường bị hư hỏng, dù bom chưa nổ, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 24 và TNXP nhanh chóng tiếp cận, tìm mọi biện pháp khắc phục ngay.

Trong những năm tháng bảo đảm giao thông trên Đường 15A và đặc biệt là tại trọng điểm đèo Đá Đẽo, Tiểu đoàn đã san lấp hàng vạn mét khối đất, đá, phá dỡ hơn 1.000 quả bom nổ chậm, bom từ trường, bom vướng nổ, mở được 62km đường mới, khôi phục hơn 100km đường cũ, phục vụ đắc lực, kịp thời cho các đơn vị vận chuyển. Tiểu đoàn 24 đã cứu được 57 ô tô và hơn 100 tấn hàng không bị hư hỏng ngay khi địch đang đánh phá. Với những chiến công đã đạt được trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 1-12-1973, Tiểu đoàn 24 Công binh vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đội TNXP N.37, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điển hình là: Thực hiện chủ trương 4 trước, các đội TNXP tổ chức khai thác đá dự trữ để khi cần là có đá ứng cứu đường ngay. Công việc rất nặng nhọc, nhưng các nữ TNXP N.37 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ như tấm gương Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Thu Hiệp đã có sáng kiến trong cách tạ đá, nhồi mìn, làm xe chở đá... Nhờ các sáng kiến này, các đội nữ TNXP đã vươn lên bắt kịp với lực lượng TNXP nam giới về năng suất lao động (từ 0,8-1m3 đá/ngày lên 2-2,5m3 đá/ngày); hay chị Nguyễn Thị Khia, chiến sĩ nuôi quân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Những cống hiến, hy sinh, tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 24 Công binh và lực lượng TNXP đã góp phần bảo đảm giao thông trên tuyến đường 15A và đèo Đá Đẽo với lưu lượng khoảng 300 xe/ngày. Nhờ vậy, quân và dân ta đã chuyển được một lượng vật chất và binh lực lớn phục vụ kịp thời các chiến dịch lớn: Mậu Thân (1968); Đường 9 – Nam Lào (1971); Trị - Thiên (1972); Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc (1975). Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt hệ thống Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh; Di tích đèo Đá Đẽo là 1 trong 37 di tích được xếp hạng đợt đầu.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.