Huyện Thạch Thành nằm trên trục Quốc lộ 45 xuyên suốt theo hướng Bắc-Nam nối từ tỉnh Ninh Bình sang vùng đồng bằng qua huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn về trung tâm TP Thanh Hóa; Đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương và được Bộ Giao thông vận tải xác định là “điểm dừng chân”. Yếu tố này tạo lợi thế lớn cho Thạch Thành phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông của huyện được nâng cấp, tương đối hoàn thiện. Hiện nay, 98% đường liên xã toàn huyện được nhựa hóa, đường liên thôn đạt 65% cứng hóa, hệ thống cầu qua sông Bưởi bảo đảm đi lại thuận tiện.
 |
Thác Mây ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành là một thắng cảnh đẹp, thu hút du khách. Ảnh: THANH HÀO |
Nhân tố thuận lợi thứ hai là nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đặc trưng, có giá trị. Với 49.508,8ha đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phần lớn chất đất ở đây rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả... Đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của Thạch Thành trong phát triển kinh tế. Từ thế mạnh này, nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh tài nguyên tự nhiên có giá trị, Thạch Thành còn có những thác nước dài, nhiều tầng kỳ vĩ như thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; những hồ nước rộng lớn quanh năm xanh trong như: Hồ Đồng Sung, hồ Cầu Mùn, hồ Minh Công, động Vũng Sú, suối nước nóng Vó Ấm... Ở những vùng núi đá vôi có nhiều hang động khá đẹp gắn với di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ như hang Con Moong, hang Mang Chiêng, hang Lai, hang Mộc Long và mái đá Mộc Long... thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, du lịch lịch sử.
Ngoài ra, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của huyện Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng của hai dân tộc Kinh và Mường anh em, với 78 di sản đã được kiểm kê như: Lễ xóa tội vong nhân; lễ hội đền Phố Cát; lễ hội đình Tam Thánh; lễ hội đình Mường Đòn; lễ dựng cây nêu, lễ mừng cơm mới... Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Thạch Thành, có loại hình văn học truyền miệng. Đó là những bài ca dao, câu đố, tục ngữ, truyện kể, thơ ca như: “Đẻ đất, đẻ nước”, chuyện “Nàng Nga-Hai Mối”; chuyện “Út Lót-Hồ Liêu”... Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, sắc phong, văn bia, thần tích, phong tục tập quán và nét ẩm thực phong phú được người dân bảo tồn, lưu giữ. Từ đó, tạo thuận lợi cho Thạch Thành phát huy nền văn hóa độc đáo, gắn với phát triển du lịch và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái.
Đến nay, toàn huyện có 3 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là: Khu di tích Chiến khu Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo); đền Phố Cát (xã Thành Vân) và thác Mây (xã Thạch Lâm), tạo điều kiện thuận lợi cho huyện mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng của tỉnh cũng như tỉnh bạn.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Nguyễn Thanh Hào, Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Thành cho biết: “Lượng khách du lịch đến Thạch Thành ngày một tăng. Số lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 50.000 lượt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 40 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2022, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2021; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp với 21 cơ sở lưu trú du lịch, 1 công ty lữ hành quốc tế. Với kết cấu hạ tầng đang trên chiều hướng phát triển, nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, có một số dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn huyện như: Khu du lịch sinh thái thác Mây; khu du lịch di tích và thắng cảnh Phố Cát; khu du lịch sinh thái thác Voi; khu du lịch sinh thái suối nước nóng làng Luông”.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Vũ Văn Đạt: Huyện đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cùng nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển du lịch; hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi nhất. Những năm qua, ngành du lịch huyện Thạch Thành đã có bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Các di tích lịch sử cách mạng quốc gia, quốc gia đặc biệt như hang Con Moong, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị. Xây dựng các điểm du lịch tâm linh như đền Phố Cát, đền Chúa Thượng, đền Bùi, chùa Cảnh Yên... Nhờ đó, du lịch lịch sử và du lịch tâm linh tại huyện Thạch Thành phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ngoài ra, các danh lam thắng cảnh đẹp cũng dần trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.
Đồng chí Vũ Văn Đạt thông tin thêm: “Ngày 11-5-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1528/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Thạch Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở và hành lang pháp lý quan trọng để huyện triển khai các bước tiếp theo. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Thạch Thành sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu là điểm kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia trên các tuyến hành lang kinh tế của huyện. Trong điều kiện và khả năng cho phép, huyện sẽ tạo điều kiện và phối hợp với các nhà đầu tư nhằm triển khai, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch và lợi thế của địa phương”.
ĐỨC TUẤN