Sức sống của di tích
Cách nay hơn 300 năm, Văn miếu Trấn Biên đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng tại thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, TP Biên Hòa) với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc. Văn miếu Trấn Biên được xem là biểu tượng văn hóa - lịch sử, mạch nguồn kết nối các giá trị văn hóa của vùng đất Trấn Biên xưa - Biên Hòa nay.
Kể từ khi xây dựng (năm 1715), Văn miếu Trấn Biên được trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852 với quy mô lần sau lớn hơn lần trước. Năm 1861, sau khi chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm hủy hoại một biểu trưng về văn hóa của xứ Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung. Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn Miếu Trấn Biên mới được phục dựng trên nền đất cũ có diện tích khoảng 5ha. Từ đây khu di tích này trở thành một thiết chế văn hóa tâm linh, nơi báo công, tuyên dương những giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục…của Đồng Nai.
Văn miếu Trấn Biên dành nơi trang trọng nhất trong Nhà bái đường thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên trái là nơi đặt bài vị và thờ tự những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa. Gian bên phải là nơi đặt bài vị và thờ tự danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh Đồng Nai có chủ trương xây dựng Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên. Bằng nguồn xã hội hóa, đã có 13 tượng danh nhân thực hiện, các tượng được chế tác trên chất liệu đá xanh Bửu Long và 1 bức phù điêu của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.
Ông Trần Trung Tuyến, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, cho biết: “Văn miếu đã và đang được vun đắp theo hướng kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa. Mỗi hạng mục của công trình Văn miếu Trấn Biên đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đối với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc. Việc thờ phụng các danh nhân, phục dựng và xây dựng Vườn tượng Danh nhân văn hóa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của Văn miếu, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung”.
 |
Văn miếu Trấn Biên là địa chỉ đỏ về nguồn cho học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Ảnh: LÂM CÓN |
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá
Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, ngày 18-8-2016 Bộ VH-TTDL đã ban hành Quyết định số 2894/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Như vậy, tính đến tháng 8-2021, tỉnh Đồng Nai đã có 62 di tích được xếp hạng với nhiều loại hình như lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh.
Trải qua thời gian với sự tác động của thiên nhiên khiến nhiều hạng mục của di tích Quốc gia Văn miếu Trấn Biên hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu, tôn tạo. Trong đó, hạng mục Nhà truyền thống đang bị bong tróc lớp vữa áo, gây nguy hiểm cho người tham quan bên trong. Nền gạch ở Nhà bái đường sụt lún nghiêm trọng, nhiều viên gạch lát nền đã bị vỡ. Hạng mục Khuê Văn của Văn miếu Trấn Biên hiện cũng bị ngấm nước mưa thấm dột xuống tầng dưới. Tại Nhà đề danh, nền móng có hiện tượng sụt lún, khối ốp móng bị tách rời nền móng.
Theo ông Trần Trung Tuyến, trước thực trạng xuống cấp của một số hạng mục của di tích, thời gian vừa qua Văn miếu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát và lên phương án trùng tu, tôn tạo di tích. Các đơn vị đã thống nhất đề nghị tu sửa cấp thiết, kịp thời các hạng mục của Văn miếu. Hiện tại, các đơn vị đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định Luật Di sản để trùng tu, tôn tạo.
Những ngày này, Đồng Nai đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với các thiết chế văn hóa khác, di tích Văn miếu Trấn Biên tạm thời đóng cửa, không tiếp đón du khách nhằm chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù không tổ chức các hoạt động tập trung đông người song Văn miếu Trấn Biên đã ứng dụng công nghệ 4.0, chủ động cập nhật các bài viết, sự kiện văn hóa, nguồn phim tư liệu về Văn miếu lên mạng xã hội để người dân, nhất là người trẻ có thể tiếp cận với các thông tin chính thống, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đồng Nai trong mùa dịch.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, các di tích không tổ chức các sinh hoạt để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng Văn miếu Trấn Biên duy trì một số hoạt động vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan, cây xanh trong khuôn viên. Chờ khi dịch cơ bản được khống chế, Văn miếu sẽ tiếp tục các hoạt động, sự kiện nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, nhất là vào các dịp lễ, Tết; tăng cường kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn cũng như áp dụng công nghệ trong việc kể câu chuyện di sản… Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Dự kiến trong quý III-2021, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Bửu Long sẽ thực hiện sáp nhập vào Bảo tàng Đồng Nai thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai. Việc sáp nhập nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ việc giáo dục, nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai và vùng đất Trấn Biên. |
MINH CẦM