Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình để hiểu hơn về câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Tròn 10 năm trở thành Di sản hỗn hợp thế giới, Tràng An đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của Ninh Bình, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Từ khi được UNESCO ghi danh, Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Mỗi người dân trong vùng di sản đã trở thành người bảo vệ di sản, hướng dẫn viên du lịch, đại sứ đưa Tràng An vươn tầm quốc tế.

leftcenterrightdel
 Ông Bùi Văn Mạnh.

Số lao động trực tiếp tại Tràng An đạt hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát triển du lịch được nâng cao rõ rệt. Các chuyên gia của UNESCO khẳng định: Tràng An đã đóng vai trò như biểu tượng trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan, môi trường trên toàn thế giới, giúp thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

PV: Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng khen di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương?

Ông Bùi Văn Mạnh: Công tác bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển bền vững đã có sự cân bằng tương đối tốt, hài hòa giữa bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với bảo đảm sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt, đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân.

Ngoài việc bám sát sự chỉ đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Ninh Bình đã chủ động xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản là trung tâm trong công tác bảo tồn di sản, biến họ thành “tai mắt” trong công tác quản lý di sản, để di sản phải “sống” cùng với sinh kế và đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. 

leftcenterrightdel
 Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: MINH ĐƯỜNG

Trong quản lý di sản và khai thác du lịch ở Tràng An có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Hình thức này được thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể "nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-người dân", dựa trên các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả. 

PV: Việc Tràng An được UNESCO lựa chọn là một trong 3 di sản trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững đã mở ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Vậy khó khăn lớn nhất đối với Tràng An hiện nay là gì và Ninh Bình sẽ giải quyết thế nào?

Ông Bùi Văn Mạnh: Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu di sản Tràng An tăng nhanh, kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, nhất là ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ. Hiện nay, loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của di sản. 

Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản; các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch trong khu di sản triển khai còn chậm; sản phẩm du lịch trong khu di sản còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các chương trình du lịch chuyên sâu về khảo cổ học, khám phá di sản gắn với các giá trị, truyền thống văn hóa-lịch sử về vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản; tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh... 

PV: Những hoạt động nào sẽ tạo nên điểm nhấn trong dịp kỷ niệm 10 năm Tràng An được UNESCO ghi danh, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Năm nay, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức các hoạt động, gồm: Lễ hội Tết xưa; Tuần du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”; liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc; cuộc thi viết về đề tài bảo tồn, phát huy giá trị Tràng An, phát triển du lịch bền vững; cuộc thi sáng tác ca khúc, tác phẩm văn học về tỉnh Ninh Bình và Tràng An; cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng đặc thù của tỉnh gắn với các giá trị di sản và giá trị văn hóa, lịch sử... Ninh Bình mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hiến kế của các chuyên gia, nhân dân và du khách trong việc xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ, nâng tầm di sản thế giới Tràng An. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.