Đại tướng nói với ông đại ý rằng, nếu làm tốt du lịch CKVB thì các đồng chí đang thay mặt tôi trả ơn đồng bào. Du lịch CKVB phải là du lịch xanh, người làm du lịch phải giữ rừng, đừng bê tông hóa và quan trọng là phải làm thế nào để đồng bào được hưởng lợi từ đó.

Du lịch Chiến khu Việt Bắc chưa phát triển như kỳ vọng

CKVB với 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang từng là nơi chuẩn bị các điều kiện để tổng khởi nghĩa, là Thủ đô kháng chiến, vừa là hậu phương, vừa là địa bàn kháng chiến. Mảnh đất trung kiên, nghĩa tình này lưu dấu hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, di tích cách mạng, đặc biệt là các địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. CKVB chứa đựng trong mình cả những giá trị văn hóa đặc sắc về phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi thức dân gian, sản phẩm thủ công, ẩm thực, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đây chính là nguồn lực to lớn để các tỉnh vùng CKVB khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch về nguồn, du lịch tưởng niệm, kết hợp các nhóm sản phẩm khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) trong tour du lịch của Công ty Cổ phần Flamingo Redtours.Ảnh: BÍCH HUỆ. 

“Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) vừa qua, sản phẩm du lịch Vị Xuyên của chúng tôi rất được du khách quan tâm. Đây là tín hiệu tốt với du lịch Hà Giang”, bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết. Tiếc rằng, những sản phẩm như thế ở vùng CKVB chưa nhiều. Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá: “Sự phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Du lịch vùng CKVB thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên sẵn có. Các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều nên còn khá đơn điệu và trùng lặp, thiếu dịch vụ bổ sung; công tác liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa hiệu quả”. Ông Hoàng Ngọc Đường, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, ví von: “Hệ thống đường sá đã được cải thiện nhiều nhưng đến Bắc Kạn mỗi lần đến thì một lần say mà là say đường chứ không phải say cảnh, say tình. Từ Hà Nội đi hồ Ba Bể đến 5-6 tiếng đồng hồ thì liệu bao nhiêu khách đủ hào hứng?”. Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, nhìn nhận: “Tại các di tích lịch sử, số điểm dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí đi kèm còn quá ít, phần lớn những “địa chỉ đỏ” mới đang ở giai đoạn đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng. Do vậy, các điểm này thường chỉ là điểm phụ trợ trên hành trình của du khách chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như khả năng hút khách. Khách du lịch về nguồn chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cá nhân và các tổ chức đoàn thể với mục đích thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội hay giáo dục thế hệ trẻ. Hiện không mấy doanh nghiệp lữ hành mặn mà khi tổ chức các tour du lịch này”.

Tìm giải pháp để phát triển du lịch

Phát triển du lịch được xác định góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, từ đó phát triển kinh tế-xã hội đồng bào các dân tộc miền núi tại các tỉnh CKVB. Thế nhưng, đến thăm ATK xưa, GS, TS Trình Quang Phú, một nhà khoa học và cũng có kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm, bày tỏ tiếc nuối khi sản phẩm du lịch những nơi này chưa cho du khách thấy được “hồn" một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Ông nói: “Chúng ta phải thổi hồn vào di tích bằng cách làm hiện đại. Ví dụ, đến Pác Bó, mái đình Hồng Thái làm sao để thấy Bác Hồ; đến cây đa Tân Trào phải như thấy Đại tướng, nhìn thấy không khí cách mạng của những vị tiền bối ngày xưa... Việt Nam đã làm nên những huyền thoại. Nếu ngày nay chúng ta làm sống động được những huyền thoại ấy, du lịch CKVB không chỉ thu hút được khách trong nước mà cả khách nước ngoài”. Đồng tình với quan điểm này, theo TS Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế-Văn hóa: “Căn cứ địa CKVB được biết đến nhiều với hình ảnh “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nhưng giờ cây cối thưa thớt, đường đến Tân Trào rộng thênh thang. Có lẽ chúng ta cần xem lại quy hoạch để tạo môi trường du lịch đồng bộ, cụ thể và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần gắn phát triển du lịch với quyền lợi của người dân địa phương, tạo động lực để họ tham gia vào quá trình bảo tồn, phát triển du lịch, làm sao để họ là những người am hiểu, yêu quý và sẵn sàng bảo vệ vùng đất của mình nhất”.

Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch CKVB là tạo liên kết. Tuy nhiên, cùng suy nghĩ với lãnh đạo các địa phương trong vùng, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn băn khoăn vì 6 địa phương đã có sản phẩm chung “Qua những miền di sản Việt Bắc” hơn 10 năm nay. Lúc đầu, các địa phương đều hào hứng tham gia, tổ chức hội thảo về nguồn, thi hướng dẫn viên... nhưng dần dần đến nay thì đang đi vào lối mòn, cần thay đổi. Theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ: “Chúng ta cần một “nhạc trưởng” và tôi đề xuất Tổng cục Du lịch giữ vai trò dẫn dắt, điều phối, đào tạo và các địa phương phải có quy chế phối hợp”. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho hay: “Các địa phương cần kết hợp sản phẩm chủ đạo với những sản phẩm du lịch vệ tinh để thỏa mãn mong muốn đa dạng của du khách. Hiện nay, khi lượng khách đi lẻ ngày càng áp đảo thì việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ đi kèm, thu hút khách tham gia nhiều trải nghiệm sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu, giúp du khách hiểu hơn về một CKVB thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, an toàn...”.

TIẾN LINH